Chỉ nghĩ thôi đã thấy tức sôi máu. Tôi cười khẩy đầy giễu cợt, xem thử cái gã đàn ông chết tiệt đó rốt cuộc muốn nhắn nhủ thứ vớ vẩn gì trong thư.

Câu đầu tiên trong thư:

【Gửi vợ của anh.】

4

Từ nhỏ, nhà tôi trọng nam khinh nữ. Sự bất tài của cha mẹ đã tạo ra những năm tháng khổ sở của tôi.

Để nuôi “hoàng tử bé” trong nhà, năm mười bốn tuổi tôi bị đuổi ra đường làm thuê chui.

Từ bé tôi đã hiểu rõ: không ai thật sự yêu thương tôi. Vì muốn được cha mẹ công nhận, tôi gửi hết tiền mình kiếm được về nhà, chỉ giữ lại chút ít đủ ăn.

Tết về, cha mẹ bỗng trở nên nhiệt tình bất thường. Tôi vui lắm, hệt như đứa trẻ lần đầu được cho món đồ chơi yêu thích.

Đêm giao thừa, ăn xong cơm, họ nói năm nay tôi đừng đi làm nữa, đã tìm được cho tôi một gia đình “tốt”, nhà trai đưa sính lễ mười vạn.

Người đàn ông đó lớn hơn tôi hai chục tuổi, đã chết hai đời vợ, lại còn tàn tật.

Không có cha mẹ nào lại đẩy con mình vào hố lửa. Vậy nên nửa đêm, tôi lẳng lặng thu dọn đồ đạc, chấp nhận một sự thật — họ chưa bao giờ yêu tôi.

Tôi lén trộm ít tiền rồi bỏ nhà ra đi.

Tôi từng làm đủ mọi nghề, cả đàng hoàng lẫn không đàng hoàng. Chỉ cần kiếm ra tiền và sống được, tôi chẳng ngại gì hết.

Năm hai mươi tuổi, tôi gặp một người đàn ông.

Anh ấy chu đáo dịu dàng, mua hoa, mua bánh, mua váy cho tôi. Anh lái xe máy chở tôi đi dạo bên sông.

Gió sông lạnh buốt, nhưng lòng tôi thì ấm áp lạ thường.

Một người đàn ông làm việc ở công trường lại có trái tim nhiệt thành và dịu dàng đến thế.

Anh không chê xuất thân của tôi, thương xót quá khứ của tôi. Anh không giống bất kỳ ai.

Tôi đã rơi vào cái lưới tình đầy dối trá ấy mà không thể thoát ra.

Cho đến khi anh bắt đầu cờ bạc, say xỉn, đánh đập tôi thâm tím mặt mũi rồi cướp sạch tiền bỏ trốn.

Lúc đó tôi mới tỉnh ngộ — trên đời này không ai thật sự yêu tôi. Tôi là thứ rác bị người đời vứt bỏ, là một con ruồi bẩn thỉu.

Tình yêu đối với tôi còn không bằng cục phân. Tôi không cần yêu, tôi cần rất nhiều, rất nhiều tiền.

Tôi từng được bao nuôi, từng làm tiếp rượu, từng làm streamer tâm sự đêm. Ngoài chuyện làm tiểu tam phá hoại gia đình người khác và phạm pháp ra, tôi cái gì cũng dám làm.

Mấy năm đó cũng tích cóp được kha khá tiền.

Sau này, tôi gặp một thằng nhóc ăn xin ngoài đường vì không có tiền đi học. Tôi mềm lòng, đưa nó một trăm.

Kết quả là ngay tối hôm đó, tôi bị đồng bọn của nó nhắm trúng, bị cướp tận nhà, suýt nữa mất mạng.

Tôi hỏi nó tại sao.

Thằng bé nói, người khác đều cho một, hai đồng, chỉ có tôi cho hẳn một trăm — chắc chắn là rất giàu.

Lúc lưỡi dao lạnh ngắt dí sát cổ, tôi đã thề: Chỉ cần sống sót, tôi nhất định sẽ làm một người phụ nữ xấu — độc ác, ích kỷ, đê tiện, vô cảm.

5

【Khi em đọc được bức thư này, có lẽ anh đã không còn trên đời.】

Mới đọc đến câu thứ hai mà tôi đã không chịu nổi, sến súa muốn chết, bực cả mình.

Tôi nhét bừa thư trở lại, mắt lật lên trời.

Anh ta tưởng mình là ai cơ chứ? Anh hùng cứu vớt người phụ nữ lầm đường lạc lối? Cho tôi cái gọi là “gia đình”, rồi nghĩ tôi sẽ vì anh mà chung thân thủ tiết sau khi anh chết?

Buồn cười thật, năm năm cưới nhau rồi mà còn không hiểu nổi con người tôi.

Tôi vô tình vô nghĩa, anh vừa chết tôi đã đi quẩy, uống rượu với trai đẹp, quay về cái cuộc sống sa đọa trước khi kết hôn.

Tôi từng nói rõ từ trước khi cưới, anh cũng bảo không sao.

Nghĩ đến đây, tôi lại không kìm được, lôi thư ra xem tiếp.

【Anh biết em sẽ không có kiên nhẫn để đọc hết.】
Sau chữ cuối còn vẽ thêm một mặt cười láu cá — đúng là kiểu của anh.

“Chết tiệt!”

Chuyện này thì anh hiểu tôi rõ thật.

【Đây là thư vĩnh biệt, không phải lời giáo huấn, em yên tâm đọc tiếp.】

【Anh thấy rất có lỗi, khi biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa mà vẫn cầu hôn em, khẩn thiết mong em làm vợ anh.】

Tôi siết chặt tờ giấy trong tay, lòng chợt thắt lại, có cảm giác như bị nhét cả đám bông gòn vào cổ họng — nghẹn đến khó thở.

Anh ta đang yên đang lành lại xin lỗi tôi làm gì? Tôi còn chưa kịp cảm ơn anh ấy nữa là.

Khi còn sống đã đối xử tốt với tôi, chết rồi cũng không keo kiệt.

Người đàn ông biết yêu thương vợ như vậy, kiểu gì cũng chẳng phải người tồi.

À, trừ cái tội… đoản mệnh.

Tôi vừa định đọc tiếp thì điện thoại vang lên.

Là một số lạ.

Vừa bắt máy, đã nghe thấy giọng quen thuộc:

“Ôn Lẫm, bố đây. Chồng mày chết rồi chắc để lại cho mày nhiều tiền lắm nhỉ? Đúng lúc em trai mày sắp cưới, cần tiền. Tao biết mày có mà, lấy ra tầm một hai trăm vạn giúp nó một tay đi, có đáng bao nhiêu đâu.”

Một hai trăm vạn mà cũng mở miệng xin?

“Tôi đốt cho ông mấy tờ tiền âm phủ của ngân hàng Thiên Đàng nhé?” — tôi gắt lên rồi dập máy cái rụp, chẳng còn tâm trạng nào mà đọc thư nữa.

Chuyện này đoán thôi cũng biết là đám họ hàng giả tạo của Trần Lễ cho ông ta số tôi.

Đúng là nực cười.

Bình thường thì từng đứa một nhìn tôi bằng nửa con mắt, coi tôi là thứ chẳng ra gì, không xứng với Trần Lễ.

Tết đến hay dịp gì gặp mặt, thể nào cũng phải châm chọc đá xéo tôi vài câu cho hả dạ.

Cuối cùng thì sao? Cũng ráng vắt óc tìm cách moi tiền từ tôi bằng được.

Nhưng Trần Lễ là một người đàn ông tốt.

Mỗi lần mấy người đó nói xấu tôi, Trần Lễ – vẫn luôn ôn hòa nho nhã – sẽ dùng vốn kiến thức sâu rộng của mình, không cần chửi bậy mà vẫn khiến bọn họ cứng họng.

Thấy đám già cỗi đó tức đến đỏ cả mặt, tôi nhịn cười đến mức phải véo vào đùi Trần Lễ dưới bàn.

Tôi ăn mặc lòe loẹt, chẳng có dáng dấp của mợ chủ nhà giàu. Chú của Trần Lễ còn từng đứng ra “dạy dỗ” tôi: đã làm vợ thì phải hiền thục, phải biết lo cho chồng con, đấy mới là việc phụ nữ nên làm.

Nói thì nghe cũng có lý — dù gì tiêu tiền của Trần Lễ cũng nên làm chút chuyện ra dáng.

Vậy là tôi cố nắn giọng cho dịu dàng, đi đứng cũng làm bộ chậm rãi, giả vờ làm ra dáng một tiểu thư, nhìn mà y như con chim cánh cụt lắc lư, buồn cười chết được.

Trần Lễ phì cười, ôm tôi ngồi lên đùi anh, nói:

“Không cần hiền thục, cứ là em thôi.”

Người ta làm phu nhân nhà giàu thì chu toàn chuyện trong ngoài, còn tôi ở nhà cứ nằm ườn ra uống rượu, ca hát ầm trời. Trần Lễ về còn phải bế tôi – con ma men – về phòng.

Hic hic

Nghĩ lại thấy, bao nhiêu lợi lộc tôi hưởng cả, thật ra cũng có phần áy náy với anh.

Tôi ngồi ngẩn người trên giường, căn phòng im ắng đến mức nghe rõ tiếng ù trong tai.

Điện thoại lại reo.

Tôi tưởng là ông bố khốn nạn kia gọi lại, chuẩn bị chửi thêm một trận.

Ai ngờ là… cuộc gọi từ nhà tang lễ.