(5)

Tin nhắn của Trần Hàm khiến cơn buồn ngủ của tôi lập tức biến mất.

Tôi vội đeo lại kính, nhắn ngay một tin: Lão Trần, cậu nói vậy là sao? Rốt cuộc có chuyện gì? Sao lại bảo tớ chú ý tới Thẩm Viễn Hàng?

Không thấy trả lời, tôi sốt ruột gửi thêm một tin nữa: Tớ biết cậu thân với ông ấy, nhưng hồi còn đi học, tớ đã giúp đỡ cậu không ít, chẳng lẽ đến một câu thật lòng cũng không chịu nói với tớ sao?

Một lát sau, Trần Hàm nhắn lại.

Hải Khoát Thiên Không: Tân Ninh, thôi thì tớ nói thật nhé, mặt đối mặt thì khó nói quá… Trần Nguyệt Dung chính là người trong lòng của lão Thẩm đấy. Nói theo kiểu của tụi trẻ bây giờ thì là “bạch nguyệt quang”…

Trần Hàm kể cho tôi nghe chuyện của họ năm xưa, cũng giúp tôi hiểu ra vì sao suốt bao nhiêu năm nay Thẩm Viễn Hàng luôn lạnh nhạt với tôi như vậy.

Thì ra Thẩm Viễn Hàng và Trần Nguyệt Dung từng là hàng xóm.

Hai nhà sống trong cùng một khu tập thể, mà Trần Nguyệt Dung thì xinh đẹp, từ nhỏ đã là “công chúa nhỏ” trong khu.

Lũ con trai trong viện đều thích cô ấy, Thẩm Viễn Hàng cũng không ngoại lệ.

Chỉ có điều, so với những cậu trai khác, Thẩm Viễn Hàng vừa không đẹp trai, lại không có gia thế, chỉ có thể đứng lặng trong góc, ngước nhìn ánh sáng rực rỡ của cô ấy.

Thời đó, nhà nước kêu gọi thanh niên trí thức lên núi xuống làng.

Trần Nguyệt Dung và Thẩm Viễn Hàng được phân về cùng một nơi, ông ấy mới có cơ hội tiếp cận cô.

Nhưng người con gái rực rỡ ấy, dù ở nông thôn cũng vẫn tỏa sáng, và dĩ nhiên vẫn không nhìn thấy sự tồn tại của Thẩm Viễn Hàng.

Sau đó là thời kỳ hồi hương về thành phố.

Chẳng bao lâu, tin đồn Trần Nguyệt Dung mang thai bắt đầu lan ra.

Không ai biết đứa bé là của ai, bố mẹ cô hỏi thế nào cô cũng không nói.

Khi Thẩm Viễn Hàng biết chuyện, ông ấy nhất quyết muốn cưới cô, nhưng lại bị mẹ ruột ngăn cản đến mức đòi tự tử, ông không còn cách nào, đành từ bỏ.

Không lâu sau, Trần Nguyệt Dung vội vàng kết hôn với người khác.

Hai người chính thức chia xa từ đó.

Mãi đến khi thi đại học được phục hồi, họ lại gặp nhau trong khuôn viên trường đại học.

Lần tái ngộ đó, Trần Nguyệt Dung đã là mẹ của hai đứa trẻ.

Chồng cô ấy cũng là giảng viên của trường.

Còn Thẩm Viễn Hàng vẫn chưa lập gia đình.

Vì cảm thấy áy náy với ông ấy, Trần Nguyệt Dung mới giới thiệu tôi cho ông.

6

Hải Khoát Thiên Không: Chuyện này hồi xưa ở chỗ bọn mình ầm ĩ lắm, ai cũng biết cả.

Dạo gần đây, sau khi Trần Nguyệt Dung ly hôn, lão Thẩm có gặp lại cô ấy.

Hôm đó tớ với mấy người bạn cũ cũng có mặt, nhìn ánh mắt giữa hai người họ, tớ thấy không ổn nên mới muốn nhắc cậu một tiếng.

Hải Khoát Thiên Không: Tân Ninh, thật ra ban đầu tớ cũng không định nói với cậu đâu, sợ làm ảnh hưởng đến tình cảm giữa hai người.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tụi mình tuổi này rồi, sống được bao nhiêu nữa, sống yên ổn, vui vẻ mới là quan trọng nhất.

Một hơi nghẹn cứng nơi lồng ngực, không lên được mà cũng chẳng xuống nổi.

Trần Hàm nói nhẹ nhàng thế thôi, “sống yên ổn vui vẻ” — ai mà chẳng muốn sống bình yên, ổn thỏa?

Nhưng vấn đề là giờ chính Thẩm Viễn Hàng không muốn sống yên ổn kia kìa!

Vừa đọc xong tin nhắn, tôi đã muốn xông ngay vào phòng chất vấn ông ta, hỏi xem tôi nợ nần gì ông ấy ở kiếp trước mà kiếp này ông ấy lại đối xử với tôi như vậy?

Nhưng khi bình tĩnh lại, tôi lại thấy bản thân thật buồn cười.

Tôi chất vấn ông ta thì được gì?

Đòi ông ta quay đầu lại sao? Đòi ông ta đừng tìm đến Trần Nguyệt Dung nữa à?

Ông ta sẽ nghe tôi sao?

Không đâu… Ông ta sẽ không bao giờ nghe.

Suốt bao nhiêu năm qua, tôi chăm sóc ông ta từng ly từng tí.

Tôi lo cho ông như một đứa trẻ, lo từng bữa ăn, giấc ngủ.

Biết ông yếu, tôi chẳng dám để ông động tay vào việc nặng.

Biết ông có bệnh dạ dày, tôi thay đổi đủ món cho phù hợp.

Ông ta thì sao? Như người mù không thấy gì hết.

Lại còn trách tôi không cho ông ăn món khoái khẩu vì sợ hại dạ dày.

Trách tôi không cho ông xem tivi lâu vì sợ tăng độ kính.

Trách tôi bắt ông ra ngoài đi bộ mỗi ngày vì sợ loãng xương.

Tôi thật lòng đối đãi với ông ta, đổi lại được gì?

Tự hỏi lòng mình: tôi còn muốn sống tiếp với ông ta không?

Liệu tôi có thể tiếp tục nổi nữa không?

Một khi đã có vết rạn thì có gượng ép thế nào, cũng chỉ là kéo dài ngày bức tường hôn nhân sụp đổ.

Ngày nào cũng sống trong mỏi mòn và chịu đựng, chi bằng một lần dứt khoát đạp đổ tất cả.

“Ly hôn” — ban ngày tôi còn thấy từ này thật nặng nề.

Nhưng giờ, nó lại như một sự giải thoát. Một lối ra.

Tôi muốn ly hôn với Thẩm Viễn Hàng.

Tôi lục tìm danh bạ, tìm được một người bạn cũ lâu năm chưa liên lạc.

Trước kia cô ấy làm trong ngành tình báo, về hưu rồi thì mở văn phòng thám tử tư.

Tôi soạn tin nhắn và gửi cho cô ấy.

Sau đó đặt điện thoại xuống, nằm yên trên giường.

Tôi cứ tưởng mình sẽ trằn trọc cả đêm, không ngờ tối đó tôi ngủ rất ngon, ngon nhất từ trước đến nay.

(7)

Sáng sớm, con trai và con dâu đến.

Lúc họ tới, tôi đã nấu xong bữa sáng, đang ngồi trong phòng khách vừa ăn vừa xem tin tức.

Thẩm Sùng đang loay hoay dưới tầng để đỗ xe, Tiểu Nhã lên trước.

“Mẹ, khách sạn Thẩm Sùng đặt trưa 12 giờ bắt đầu tiệc. Mười giờ mình xuất phát nha, mẹ với ba chuẩn bị xong chưa?”

Tôi vừa nhấm ngụm sữa đậu nành đặc sánh, vừa xé đôi chiếc quẩy, nhúng vào ăn.

Tôi vốn thích vị này, đã nhiều năm rồi không ăn lại.

“Chuẩn bị gì đâu con. Qua đó ăn một bữa rồi về thôi mà.”

Tiểu Nhã thay dép xong thì xách theo túi quà đi vào phòng khách.

“Mẹ, dù gì cũng là kỷ niệm đám cưới vàng. Mẹ với ba còn phải lên phát biểu nữa đó.”

“À đúng rồi, con có mua cho mẹ một bộ đồ, mẹ xem có thích không nhé.”

Tôi nhìn Tiểu Nhã đầy ngạc nhiên.