Vợ quản đốc càng đọc càng tức, liền nổi điên buông lời chửi bới dưới bình luận:

“Tụi mày là người nhà con mụ già kia à? Biết giá thịt bao nhiêu một cân không hả?!”

“Thèm con mụ già đó thì đi mà tìm nó!”

Lời lẽ của bà ta lập tức khiến cư dân mạng phản pháo dữ dội hơn.

Cuối cùng, bà ta đăng một đoạn chửi thề ngập tràn “chất liệu mẹ”, rồi kết lại bằng:

“Từ mai bà không bán nữa! Tụi mày thích ăn thì đi mà ăn c*t, được chưa?!”

Do có hành vi xúc phạm và công kích người khác, tài khoản của bà ta đã bị hàng loạt người dùng báo cáo, và tối qua đã chính thức bị khóa.

________________________________________

Trưa hôm sau, quán ăn của tôi xuất hiện thêm vài công nhân từ công trường.

Tôi đặt hộp cơm đĩa lên bàn họ, mấy người đàn ông cúi gằm mặt, không dám nhìn tôi, rồi im lặng bưng bát cơm lên ăn ngấu nghiến.

Khi tôi mang canh lên, công nhân thật thà hôm trước đột nhiên gọi tôi lại:

“Chị ơi, chị có thể quay lại bán cơm cho bọn em được không?”

Tôi còn chưa kịp trả lời, anh ta đã nói tiếp:

“Bà chủ hôm nay không bán nữa. Bà ấy nói sau này cũng không bán luôn rồi. Hôm nay nhiều người cả sáng chưa có gì ăn…”

Xem ra lời của vợ quản đốc tối qua không phải chỉ nói cho sướng miệng.

“Đúng đấy,” một người khác tiếp lời, “bà ấy bảo tài khoản đó chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, không đủ để bù lỗ cho việc nấu cơm. Mỗi lần tụi em đến ăn, cứ như là mắc nợ bà ấy vậy…”

Tôi nhìn họ, điềm đạm nói:

“Hồi trước là do quản đốc dẫn mọi người đến đuổi tôi đi. Bây giờ vợ ông ta không bán nữa, chắc ông ấy sẽ nghĩ cách giúp các cậu thôi?”

“Đừng nhắc nữa,” một công nhân khác nói, “ông ta chẳng làm gì được vợ đâu. Hôm nay bọn em hỏi có mấy câu, ổng đã nổi quạu rồi bảo ai không thích thì nghỉ việc về nhà đi.”

“Phải đó,” một người nữa chen vào, “em đến đây chỉ mong kiếm ít tiền về cưới vợ, đâu dám đắc tội với ông ấy.”

Ngay khoảnh khắc đó, tôi hiểu được suy nghĩ của những người công nhân này.

Không phải ai trong số họ cũng tin tôi bán cơm lời lãi bất chính. Có người thật sự biết tôi bán giá đó là vì thương họ, chỉ là vì sợ quản đốc nên đành hùa theo, nương theo thế lực mà bắt nạt tôi.

Quản đốc đuổi tôi là vì lợi ích nhà mình. Còn họ — dù chỉ là kẻ theo đuôi — cũng là vì lợi ích của bản thân.

Khi đối diện với lợi ích, đúng sai trở nên không còn quan trọng nữa.

Bảo sao người ta thường nói: “Người đáng thương, ắt có chỗ đáng giận.”

Con trai tôi nhìn sắc mặt tôi, chần chừ hỏi:

“Mẹ… mẹ đừng nói là lại mềm lòng, định quay lại bán cơm cho họ thật đấy chứ?”

“Họ đã đối xử với mẹ như thế, mẹ vẫn muốn quay lại bán à?” – giọng nó bắt đầu cao lên vì lo lắng.

Tôi chỉ mỉm cười, lắc lắc đầu.

Chồng tôi nói đúng: “Cho một bát gạo là ân, cho mười bát lại hóa thù.”
Bọn họ có kết cục hôm nay là do chính họ tạo ra. Ai cũng có con đường sống riêng của mình, tốt nhất là đừng can thiệp vào cuộc sống của người khác một cách tùy tiện.

Sau này, tôi nghe mấy anh công nhân vẫn ghé quán ăn kể rằng, quản đốc lại mời một cô bán cơm mới về công trường.

Một món mặn hai món rau, cơm ăn thoải mái — nhưng giá tận mười hai tệ một phần.

Cô ấy không livestream, mà món ăn cũng chẳng ngon, rau thì toàn đi chợ mua đồ thừa bị ế, lá rau thì héo úa vàng vọt.

Công nhân than phiền vài câu, cô bán cơm liền trợn mắt đáp lại:
“Ăn được thì ăn, không ăn thì thôi!”

________________________________________

Nửa tháng sau, vào một buổi chiều chạng vạng.

Khách trong quán vừa ăn tối xong, tôi cùng mấy cô nhân viên đang thu dọn dọn dẹp.

Bất ngờ, quản đốc dẫn theo mấy công nhân bước vào, tay xách hai chai Nhị Quả Đầu và một túi quýt.

Vừa thấy tôi, ông ta đã cười niềm nở, mặt mũi xun xoe:
“Chị ơi, hôm nay tụi em đến là để xin lỗi chị thật lòng.”

Tôi nhàn nhạt đáp: “Không cần đâu, mọi chuyện qua rồi.”

Ông ta vội vàng dúi túi quýt và rượu vào tay tôi:
“Chị, chút lòng thành thôi, mong chị nhận cho.”

Đường phố bên ngoài người qua lại tấp nập, tôi đành mời họ vào trong quán ngồi.

Vừa ngồi xuống, mấy công nhân đã không kìm được:
“Chị ơi, chị quay lại công trường bán cơm đi. Bọn em thèm cơm tay chị lắm rồi.”

Tôi mỉm cười: “Nói đùa à? Giờ chẳng phải bên đó có người mới bán rồi sao?”

“Bà ta sao so được với chị chứ, mười hai tệ mà chỉ có một mặn hai rau…”

Quản đốc liếc mắt ra hiệu, anh công nhân kia lập tức ngậm miệng.

Một người khác tiếp lời:
“Chủ yếu là cô bán cơm mới đó chẳng có tâm chút nào! Mưa là nghỉ, nắng to là nghỉ, ở nhà có việc cũng nghỉ, chẳng bao giờ báo trước. Nhiều hôm bọn em phải nhịn đói làm việc.”

“Đúng đó, bọn em có phàn nàn vài câu thì bà ta nói thẳng: Tôi làm kinh doanh, không phải đi làm công. Thích thì bán, không thì nghỉ, mấy người không có quyền quản tôi.”

“Chị nói xem, có ai buôn bán kiểu đó không chứ?”

Tôi cười thầm trong bụng — mà đúng là cô ta nói không sai.

Làm ăn buôn bán, thích thì làm, không thích thì nghỉ, chẳng ai ép được.

Còn tôi, suốt tám năm trời bán cơm ở công trường, mưa nắng gì cũng không nghỉ. Chỉ cần công trường có người làm, là tôi đi bán. Chưa từng muộn một lần, cũng không vì chuyện riêng mà vắng mặt.

Chẳng qua tất cả chỉ vì một chút lòng thương cảm và trách nhiệm.