Trở lại cái ngày năm 1986 khi nhà bị cháy, tôi không còn điên cuồng lao vào cứu cha mình đang mắc kẹt trong biển lửa nữa, mà chỉ lạnh lùng đứng nhìn căn nhà bị thiêu rụi.
Kiếp trước, tôi bị lửa thiêu cháy mặt, liều nửa cái mạng chỉ để cứu lấy một thi thể cháy đen.
Tôi đau đớn tột cùng, hoàn toàn không hay biết rằng xác chết đó thực ra là người chú – anh em song sinh với cha tôi.
Chỉ vì người cha từng cùng tôi nương tựa nhau sống qua ngày lo lắng cô em họ được nuông chiều từ bé sẽ không có ai chăm sóc, còn cảm thấy tôi đủ mạnh mẽ, nuôi tôi đến mười tám tuổi đã là hết tình hết nghĩa.
Thế là ông ta mạo danh chú tôi, mang theo toàn bộ tiền bạc trong nhà cộng thêm năm trăm tệ đi vay, dẫn em họ tôi cao chạy xa bay.
Người ta đập tan căn nhà tạm bợ của tôi, xé nát giấy báo trúng tuyển vào Đại học Bắc Kinh, mặc kệ lời cầu xin của tôi mà bán tôi vào hộp đêm để trừ nợ.
Tôi vừa bị hủy dung vừa không có tiền, chỉ có thể tiếp những khách mà người khác không dám nhận.
Cho đến khi mắc bệnh dơ bẩn, bị tất cả mọi người ghét bỏ, giữa mùa đông lạnh giá, tôi bị quấn trong một tấm vải rách rồi ném thẳng ra đất tuyết mà chết cóng. Người qua đường còn mắng thêm một câu: “Con đĩ chết là đáng!”
Thế nhưng sau khi chết, linh hồn tôi lại trôi dạt đến tỉnh H cách đó cả nghìn dặm, mới phát hiện cha tôi căn bản chưa từng chết.
Ông ta nâng niu em họ tôi trong lòng bàn tay, gọi cô ta là “con gái bảo bối duy nhất”.
Đã vậy, sống lại một đời, người cha như thế… tôi không cần nữa.
1
“Lập Hạ, mau về nhà đi, nhà cháy rồi! Ba cháu vẫn còn đang mắc kẹt trong đó!”
Dì Vương hàng xóm hốt hoảng xông vào nhà trưởng thôn, kéo tôi – lúc ấy đang dạy học kèm cho cháu trai ông – chạy ra ngoài.
Tôi loạng choạng chạy theo bà, vừa trông thấy căn nhà cũ đang cuồn cuộn khói lửa, chân liền mềm nhũn, ngồi sụp xuống đất.
Hàng xóm xung quanh nhìn thấy cũng không thấy có gì lạ trong phản ứng của tôi.
Bởi vì ai ai cũng biết, từ nhỏ tôi đã mất mẹ, chỉ còn lại hai cha con nương tựa vào nhau mà sống.
Nhưng họ không biết, tất cả đều là tôi đang diễn kịch.
Tôi lạnh lùng nhìn ngọn lửa hừng hực trước mắt, ngọn lửa nóng rực ấy… vẫn không bằng ngọn lửa hận đang bùng cháy trong lòng tôi.
Kiếp trước, khi nghe tin nhà cháy, tôi mặc kệ mọi người can ngăn, lao như điên vào biển lửa chỉ để cứu cha mình.
Nhưng cuối cùng, thứ tôi nhận được chỉ là một cái xác cháy đen và vết sẹo vĩnh viễn trên mặt.
Tôi mơ hồ ôm tấm ảnh trắng đen, tổ chức xong tang lễ cho ông ấy.
Tang lễ vừa xong, đã có vài tên mặt mày hung dữ kéo đến nhà.
Chúng nói cha tôi lúc còn sống vay chúng năm trăm tệ, giờ quá hạn rồi, tôi phải trả thành sáu trăm tệ mới được.
Tôi cứ ngỡ cha vay tiền là để cho tôi học đại học, nghiến răng đem bán sạch mọi thứ trong nhà, cuối cùng cũng chỉ gom được đúng hai trăm tệ.
Lũ đó không hài lòng, đập tan căn nhà tạm bợ tôi vừa dựng, xé nát giấy báo trúng tuyển Đại học Bắc Kinh của tôi, rồi bán tôi vào hộp đêm để tiếp khách trả nợ.
Thân thể tôi gầy gò, mặt lại mang sẹo xấu xí, ngoài những gã khách mà ai cũng ghét bỏ, chẳng ai thèm ngó đến tôi.
Tôi trở thành loại gái điếm còn bị chính các gái điếm khác xem thường. Cuối cùng mắc bệnh, bị hộp đêm đuổi ra khỏi cửa.
Tôi sốt cao, bị quấn trong mảnh vải rách rồi vứt thẳng vào bãi tuyết.
Tôi hấp hối, người đi đường không những không giúp đỡ mà còn nhổ vào tôi vài bãi nước bọt, mắng tôi sống hèn hạ thì chết là đáng.
Tôi cứ thế chết cóng trong một đêm lạnh lẽo, đói khát và tuyệt vọng.
Tưởng rằng số mệnh đã kết thúc, cuộc đời bi thảm cũng khép lại, ai ngờ sau khi chết, linh hồn tôi không tiêu tán mà lại trôi đến tận tỉnh H cách đó hàng ngàn dặm.
Trong căn biệt thự kiểu phương Tây sang trọng, một người đàn ông vận vest thẳng thớm có khuôn mặt giống hệt cha tôi lúc còn sống.
Tôi vừa định mở miệng gọi “chú ơi”, thì nghe thấy ông ta dùng chiếc điện thoại di động đời mới, nói với người ở đầu dây bên kia rằng…
“Không còn cách nào khác, tính cách của Tiểu Mãn – đứa cháu gái đó – giống hệt vợ tôi, so với con nhóc Lập Hạ thì yếu đuối hơn nhiều. Nó được cả nhà nuông chiều, tâm tư lại nhạy cảm, sức khỏe thì kém, nếu biết em trai tôi chết trong vụ cháy, chắc chắn sẽ sụp đổ mất.”
“Còn Lập Hạ thì khác, từ nhỏ đã độc lập, lại còn thi đỗ Đại học Bắc Kinh, chắc cũng chẳng thiếu tiền đâu. Dù không có tôi, con bé chắc chắn cũng tự lo được cho mình.”
“Tôi sẽ không quay về bên đó nữa. Sau này, Tiểu Mãn chính là con gái bảo bối duy nhất của tôi. Anh đừng có lỡ miệng đấy. Không nói nữa, tôi đi nấu mì nước cho con gái ăn đây.”
Thì ra cái xác mà tôi liều mạng cứu trong biển lửa kiếp trước thực ra lại là chú tôi – người anh em song sinh của ba tôi.
Chỉ vì ông ta sợ em họ tôi không chịu đựng nổi sự thật, nên mới giả làm chú, biến thành “ba” của em họ tôi.
Chuyện hoang đường đến thế, dù đã sống lại một đời, tôi vẫn thấy nực cười.
Nhưng nếu trong lòng ông ta chỉ có mỗi Tô Tiểu Mãn là con gái duy nhất, vậy thì… người cha như thế, tôi không cần nữa.
2
Tôi đỏ hoe mắt nhìn hàng xóm lấm lem bùn đất khiêng ra một thi thể cháy đen, liền nhào tới gào khóc đứt ruột đứt gan, như thể thật sự vừa mất đi người cha thân yêu.
“Ba ơi! Sao ba đi đột ngột thế này! Con đã thi đậu Đại học Bắc Kinh rồi, giấy báo nhập học cũng về đến tay rồi… Nhà mình sắp có sinh viên đại học rồi, sao ba lại bỏ con mà đi chứ? Lẽ nào ông trời nhất định phải khiến số phận ba khổ như vậy sao?”
Kiếp trước, ba tôi bảo tôi phải giữ kín mọi chuyện, nên tôi chưa từng kể cho ai biết mình đậu Đại học Bắc Kinh.
Đến nỗi sau này, dân làng đều nghĩ tôi hư hỏng, sa đọa đến mức phải làm việc ở hộp đêm, sống một cuộc đời rẻ mạt.
Kiếp này, tôi sẽ không bao giờ nghe lời “ba của Tô Tiểu Mãn” nữa.
Tôi vừa dứt lời, dân làng ai nấy đều sửng sốt – bất ngờ vì tôi đỗ được vào Đại học Bắc Kinh.
Còn nửa câu sau lại càng khiến họ đồng tình hơn.
Ba tôi thật đúng là số khổ.
Tuổi còn trẻ, vợ đã bệnh chết, em trai thì suốt ngày không thấy bóng dáng, trong nhà chỉ còn lại ông và đứa con gái nhỏ.
Nhìn tôi ngày nào cũng mặc đồ rách nát, ai mà không biết gia cảnh tôi khó khăn nhường nào.
Khó khăn lắm con gái mới có tương lai, thế mà giờ lại chết trong biển lửa, số phận này… đúng là chẳng ra gì.
Trưởng thôn hút tẩu thuốc lách tách, thấy tôi khóc đến mức không thở nổi thì đôi mắt đục ngầu bỗng ánh lên tia sáng.
“Lập Hạ à, là ba cháu không có phúc hưởng thôi. Cháu là sinh viên đại học đầu tiên của làng ta, lại còn là sinh viên Đại học Bắc Kinh nữa. Tương lai còn dài lắm.”
“Bà con trong làng ai cũng nhìn cháu lớn lên. Thế này nhé, bác là trưởng thôn, bác sẽ đi đầu, quyên cho cháu năm mươi tệ. Sau này học thành tài rồi, nhớ đừng quên làng ta là được.”
Ông bước lên, không cho tôi từ chối mà nhét luôn năm mươi tệ vào tay tôi.
Có trưởng thôn mở lời, những người khác cũng lần lượt góp tiền.
Tôi cầm trên tay xấp tiền lẻ đủ mệnh giá, nhớ kỹ mối ân tình này.
Tổng cộng họ góp được hơn bốn trăm tệ cho tôi. Cộng thêm tiền thưởng từ trường, tôi nghĩ chắc cũng đủ trả sáu trăm tệ nợ kia.
Nhưng khi tôi quay lại trường, định tìm giáo viên chủ nhiệm để nhận phần tiền thưởng học sinh xuất sắc đó, thì được thông báo: ba tôi đã sớm đến lãnh tiền rồi.
Ông ta căn bản chẳng hề nghĩ đến sống chết của tôi phải không?
Tôi mới chỉ là một đứa trẻ mười tám tuổi, sao có thể tự mình lo hết học phí, sinh hoạt phí, còn phải trả cả nợ vay lãi cao của ông ta?
Nỗi hận gần như thiêu đốt cả lý trí tôi. Khi bước ra khỏi cổng trường, tôi thậm chí còn muốn công khai tất cả, để mọi người đều biết bộ mặt đen tối của Tô Khánh.
Nhưng tôi biết, không có bằng chứng, chẳng ai tin tôi đâu.
Tôi chỉ có thể ôm đầy nỗi bất lực rời khỏi trường. Trên đường về, tôi vô tình bắt gặp “người cha đã chết” – Tô Khánh – cùng em họ Tô Tiểu Mãn.
Tô Khánh nhìn Tiểu Mãn đầy yêu chiều, tay xách lỉnh kỉnh đủ thứ, rõ ràng vừa mới mua sắm xong.
Cảm nhận được ánh mắt của tôi, Tô Tiểu Mãn ngẩng cao đầu đầy khiêu khích.
“Đồ sao chổi, nhìn cái gì mà nhìn? Chưa thấy đồ tốt bao giờ à? Hay là mày định cướp đây?”
Cô ta vừa nói vừa mắng tôi.