5

Về đến nhà, ba mẹ vẫn chưa hiểu chuyện gì.

“Kiến Bách đối xử với con tốt vậy mà? Sao lại thành ra thế này?”

Phải rồi, từng rất tốt với tôi.

Năm ngoái tôi đi gặt lúa không may bị lưỡi hái cắt vào chân, không có thuốc men gì.

Diệp Kiến Bách nghe người già mách mẹo, đi khắp nơi tìm mạng nhện về đắp vết thương, suýt nữa còn bị rắn cắn.

Anh ta lo cho tôi đến mức chẳng giấu nổi, cứ như muốn thay tôi chịu đau.

Sau vụ đó, cả làng ai cũng biết giữa tôi với anh có gì đó mập mờ.

Giờ hai đứa cắt đứt rồi, cả nửa cái làng đang ngồi hóng tôi bị bẽ mặt.

Nghe nói tôi mấy đêm liền không ngủ, ai cũng kháo nhau:

“Bị Diệp Kiến Bách đá nên phát điên rồi đó.”

Tôi muốn mượn sách đọc, anh ta dựa vào mối quan hệ với chủ nhiệm văn phòng thanh niên trí thức, hăm dọa người khác:

“Ai giúp cô ta là chống lại tôi!”

Rồi bảo tôi đang vì tức giận mà “lãng phí tài nguyên quốc gia”.

Người ta cười nhạo:

“Con gái nhà quê mà cũng đòi thi đại học? Mơ mộng hóa điên rồi!”

Mẹ tôi khuyên:

“Đừng giận dỗi với Kiến Bách nữa, không nói đâu xa, cả huyện mình chưa chắc có nổi một người đậu đại học đâu.”

Thầy giáo trường làng cũng bảo:

“Hương à, không phải thầy không cho con mượn sách… Thi đại học đâu phải học vài hôm là đậu? Văn, toán, rồi cả cái môn tiếng Anh đáng sợ kia nữa. Lên phòng thi có muốn chép cũng không kịp đâu.”

Ba mẹ tôi thở dài:

“Thôi con à, mình là dân quê, số phận vậy rồi, cố mấy cũng chẳng đổi được.”

Chỉ có Lộ Sơn Tuyết – người âm thầm cuối đêm mang sách giáo khoa cũ đến cho tôi – là không nói gì.

Cô ấy lặng lẽ đưa cho tôi hai cuốn sách đã sờn mép.

“Không về thành phố thi à?”

“Nhà em có mỗi một gian, anh chị cưới rồi, năm người chen chúc. Mẹ bảo em đừng về nữa, mỗi tháng gửi chút tiền về là được rồi.”

Tôi đưa tay nắm lấy bàn tay gầy đến biến dạng của cô ấy.

Kiếp trước, Lộ Sơn Tuyết chưa bao giờ được trở về nhà. Văn phòng thanh niên trí thức nói đã sắp xếp cho cô một công việc ở huyện.

Nhưng chưa đầy hai tháng, cô ấy quay lại người đầy thương tích.

Hễ ai chạm vào là cô lại hét toáng lên.

Sau này đầu óc không còn tỉnh táo, có một gã què trong làng cưới cô.

Sau kết hôn thường xuyên bị đánh đập.

Cô hay trốn trong đống rơm nhà tôi.

Tôi lúc đó đang mang thai, bị mấy đứa trẻ con ném bùn.

Cô ấy xông ra đuổi chúng đi, đầu bị ném trúng sưng đầy cục u, vậy mà vẫn hối hả hét tôi trốn mau.

Tôi nhìn cô gái gầy gò, vàng vọt trước mặt.

“Người ta bảo tôi muốn thi đại học là điên rồi. Cậu thấy sao?”

Mắt Lộ Sơn Tuyết thoáng hiện lên một nụ cười buồn rất nhanh.

Tôi cười khẽ:

“Vậy… cậu có muốn điên cùng tôi không?”

6

Thi đại học không hề dễ.

Không có thầy, không có sách giáo khoa.

Mỗi lần tôi bước ra đi làm, đám thanh niên trí thức lại cười cợt:

“Ô kìa, lại là sinh viên đại học đi lao động đó!”

Dân làng cũng cười:

“Bọn họ đang cá cược kìa, xem cô thi từng môn có được nổi 10 điểm không đấy!”

Lộ Sơn Tuyết đỏ bừng cả mặt, lắp bắp phản bác:

“Hương Hương rất thông minh mà!”

“Ồ ồ, vậy cá 20 điểm nhé. Hơn một điểm, nhà tôi bao rau nhà cô một năm.”

“Hơn một điểm, nhà tôi bao gạo một năm luôn!”

Mọi người cười ầm lên.

Tôi cũng cười:

“Ghi lại hết rồi nhé, cảm ơn mọi người trước!”

Họ đâu biết, ở kiếp trước vì cái “chết” của Diệp Kiến Bách đúng vào mùa thi, tôi từng nghiền nát đề thi năm đó đến mức gần như thuộc lòng từng câu, từng dấu chấm.

Người nhà không ủng hộ, tôi và Lộ Sơn Tuyết bèn ban ngày đi làm, ban đêm học bài.

Ở nhà tôi ăn uống đàng hoàng hơn, Lộ Sơn Tuyết bắt đầu có da có thịt, lộ ra nét mặt thanh tú.

Anh trai tôi bắt đầu chú ý rửa mặt, chải chuốt, còn biết để phần cơm thức ăn.

Một tối nọ, khi hai đứa tôi đang học, anh ấy mang vào một đĩa nhót rừng.

Từng quả vàng ươm, được rửa sạch sẽ.

Lộ Sơn Tuyết mặt khẽ ửng hồng.

Tôi đặt tay lên tay cô ấy, đóng cửa lại.

“Chị Sơn Tuyết, mấy quả nhót này năm nào cũng mọc ở đó, năm nào cũng chín vàng. Hai mươi năm nay anh tôi chưa từng hái cho ba mẹ một lần. Vậy mà năm nay lại hái cho chị — chị hiểu ý anh ấy rồi đó.

Nhưng sau này, đừng vì mấy chuyện thế này mà cảm động. Những gì anh tôi làm được, người khác cũng làm được. Cho bọn trẻ con trong làng ba xu, chúng nó có thể hái cho chị một rổ to.

Mình phải học hành đàng hoàng, rồi chị sẽ biết, ngoài ngọn núi này còn nhiều loại nhót khác — to hơn, ngọt hơn. Đến lúc đó nếu chị vẫn thấy thích loại nhót rừng này, thì quay lại thử cũng chưa muộn.”

Sơn Tuyết khựng lại một chút.

“Em chỉ thấy… chưa từng có ai…”

Cô ấy trấn tĩnh, rút tay lại, không cầm đĩa nhót nữa.

Đèn dầu cháy bằng cỏ bấc, khói cay xè cả mắt.

Ngày nào mắt chúng tôi cũng đỏ hoe.

7

Giữa chừng, Diệp Kiến Bách nhờ một thanh niên trí thức khác đến tìm tôi.

Một là để trả nợ — mà cũng chỉ trả có tám đồng.

Hai là “giới thiệu cơ hội”, nói hàng xóm nhà anh ta đang cần một người giúp việc. Ăn ở miễn phí, không trả lương, rảnh thì anh ta có thể qua “hướng dẫn học hành”.

Tôi đuổi thẳng người đó ra ngoài:

“Hắn là cái thá gì mà còn định sắp đặt cuộc đời người khác? Cút! Cút hết đi! Ghê tởm!”

Diệp Kiến Bách nấp ở bên ngoài, giận quá xông tới đè cửa.

“Còn bày đặt cao thượng à? Trình độ văn hóa của cô thế nào tôi còn không biết chắc? Hôn cũng hôn rồi, còn giả bộ gái ngoan chăm học với tôi sao?”

Mặt mẹ tôi tái mét.

“Kiến Bách, con đừng nói bậy.”

“Con đâu có nói bậy… Hôn con một cái là nó nhắm mắt liền, quen lắm rồi.”

Anh ta hạ giọng nói nhỏ:

“Danh tiếng của gái quê quan trọng cỡ nào, tôi không cần phải nói nhỉ? Bây giờ đi với tôi vẫn còn kịp.”

Ra là anh ta cũng biết danh tiếng quan trọng.

Cũng biết lời đồn có thể dìm chết người.

Vậy kiếp trước, khi ép tôi ngủ với anh ta trước lúc rời đi, khiến tôi mang thai rồi vứt lại ở quê, giả vờ “chết” biệt tăm — anh ta không nghĩ đến tôi sẽ sống thế nào sao?

Cái ác của anh ta, không phải đến sau này mới có, mà là bản chất ngay từ đầu.

Một người như vậy, địa vị càng cao, càng nguy hiểm.

Ánh mắt anh ta nhìn tôi, đầy bất mãn và chiếm hữu.

Không giống kiếp trước sau khi có được tôi thì lơ là, lạnh nhạt.

“Cút về má mày đi.”

Tôi ném cái ca tráng men trong tay — trúng đầu anh ta, tóe máu.

Anh ta ôm đầu, phía sau Lộ Sơn Tuyết đã thả chó.

Diệp Kiến Bách và đám người cuống cuồng chạy trốn, còn không quên để lại lời đe dọa:

“Cứ chờ đấy! Rồi chúng mày cũng chết chung thôi!!”

8

Kỳ thi đại học tổ chức ở nơi khác, không đủ tiền xe, tôi và Lộ Sơn Tuyết đành đi bộ trước mấy ngày.

Ra đến đầu làng, mẹ tôi đưa cho tôi một lá bùa:

“Thi hay không thi không quan trọng… quan trọng là phải bình an, con nhớ chưa?”

“Vâng.”

Tôi ôm lấy họ. Ba mẹ còn ngại, không dám ôm lâu.

Đến lúc tôi và Lộ Sơn Tuyết tới điểm thi, không ngờ lại gặp Diệp Kiến Bách ở đó…

Anh ta đeo đôi găng tay năm ngoái tôi đan cho.

Trước đây luôn chê xấu, tôi cứ tưởng anh ta vứt đi từ lâu rồi.

Anh nhìn tôi:

“Phụ nữ mạnh mẽ quá thì chẳng được gì tốt đẹp. Em tốn tiền tốn sức như thế, chỉ để hơn thua với anh sao?”

Lúc này, một giọng nữ the thé, đầy tàn nhang vang lên sau lưng anh:

“Kiến Bách, ai vậy?”

Nghe được tên tôi, Tô Di Mạn nhướng mày, liếc tôi một cái:

“Thì ra đây là cô gái anh định giới thiệu sang nhà em làm giúp việc à? Nhìn đúng là kiểu giả vờ quyến rũ.”

Giọng cô ta lạnh như băng:

“Thôi khỏi, qua nhà hàng xóm em đi, họ có thằng con bị tật, hợp với cô hơn đó.”

Tôi còn chưa kịp tức, Lộ Sơn Tuyết đã sừng sộ:

“Vậy sao cô không thử? Một người thì khuyết tật thân thể, một người thì khuyết tật đầu óc, quá hợp còn gì!”

Không khí căng thẳng, sắp đánh nhau đến nơi.

Diệp Kiến Bách vội vàng hòa giải:

“Thôi, Mạn Mạn, họ đều là người nhà quê, biết đâu cố tình chọc tức mình để ảnh hưởng đến kỳ thi.”

Ồ, ra tức giận cũng ảnh hưởng được việc thi cử à?

Tôi bật cười:

“Diệp Kiến Bách, ngay cả đại số tuyến tính anh học còn như phân, đã phân biệt nổi tốc độ cuối và gia tốc chưa mà đòi thi với cử?”

Tô Di Mạn hất cằm:

“Anh ấy không dám? Cô thì dám chắc? Một con nhà quê như cô mà đòi đậu đại học?”

“Vậy nếu tôi đậu thì sao?”

Tô Di Mạn nhướng mày:

“Nếu cô đậu? Tôi chiên cá trên lòng bàn tay mời cô ăn luôn!”

Tôi cười cười:

“Thôi tha cho tôi đi, đừng khiến tôi buồn nôn. Nếu tôi đậu, thì cho anh ta cởi truồng chạy một vòng quanh trường đại học đi!”

Tô Di Mạn cười nhạt:

“Được thôi! Vậy nếu cô thi không đậu, hai người cùng cởi truồng chạy nhé! Có dám không?”

Lộ Sơn Tuyết bước lên trước, giọng rõ ràng:

“Nếu cô ấy thi không đậu, tôi cởi. Nếu cô ấy đậu, cô cởi. Dám chơi không?”

Tô Di Mạn lập tức gật đầu:

“Chơi thì chơi! Ai không làm được, xui xẻo cả đời!”

Tôi mỉm cười nhẹ nhàng.

Diệp Kiến Bách nhìn dáng vẻ tôi lúc đó, bỗng có chút hoảng hốt:

“Hương Hương, sao phải cứng đầu như thế…”