9

Kỳ thi diễn ra đúng như dự đoán.

Chỉ một tháng sau là có thể tra điểm trên đài phát thanh.

Thật ra, trước khi biết điểm đã phải điền nguyện vọng.

Tôi và Lộ Sơn Tuyết đều chọn các trường ở Bắc Kinh.

Sau khi biết điểm, tay Lộ Sơn Tuyết run không ngừng, mặt trắng bệch.

Còn tôi thì cúi đầu tiếp tục làm việc.

Đám người trong sân lớn chẳng lấy làm lạ.

“Tôi nói rồi mà, sao có thể đậu nổi? Thầy giáo trường làng nhà mình cũng thi đấy, đề còn đọc không hiểu, chỉ được hơn tám mươi điểm.”

“Mất công vài ngày, chẳng được gì cả.”

Mọi người xì xào một lúc rồi tản hết.

Sơn Tuyết nắm chặt tay tôi, cố kìm nén cảm xúc:

“Tại sao đến người trong nhà cũng không thể nói thật?”

“Năm ngoái, dì Hai lén trồng một luống hẹ, còn hào phóng chia cho hàng xóm. Sau đó chỉ vì đổi được cái ca tráng men ở huyện, hôm sau gốc hẹ bị nhổ sạch.

Việc tốt phải giấu, phải nhịn.”

“Hương Hương, em nghe chị.”

10

Thêm một tháng nữa trôi qua, giấy báo trúng tuyển bắt đầu lác đác về làng.

Báo đài mỗi ngày đều đưa tin mừng khắp nơi.

Tôi bận rộn dùng ván cũ đóng rương đựng đồ cho mình và Sơn Tuyết.

Bỗng trong sân náo nhiệt hẳn.

Diệp Kiến Bách trở về, vẻ mặt đầy kiêu hãnh, còn chưa bước vào đã nghe người ta bàn tán anh ta được 210 điểm.

Tôi hơi ngạc nhiên — ít hơn đến 30 điểm so với kiếp trước.

Với điểm chuẩn năm nay, nếu anh ta vẫn chọn ngôi trường ở Thượng Hải như đời trước, thì chắc chắn không đủ.

Dân làng không ngớt lời khen ngợi.

Anh ta lén lút đi vào kho chứa dụng cụ, nói muốn cho tôi một “cơ hội cuối cùng”.

“Hương Hương, anh đã bàn xong với Mạn Mạn rồi. Em đã chăm sóc anh từng ấy năm, nếu không sống nổi ở đây nữa, thì đi Bắc Kinh với anh. Bắt đầu làm giúp việc cho nhà người thân cô ấy cũng được, còn hơn là ở lại quê. Danh tiếng của em cũng chẳng tốt, học hành lại dang dở, ở lại đây thì em định sống thế nào?”

Nói xong, anh ta đặt tay lên vai tôi.

Tôi quay đầu lại, anh lập tức nhìn xuống môi tôi theo bản năng.

“Bao nhiêu năm nay… với em, anh cũng có tình cảm thật sự.”

Anh nói tiếp:

“Từ lúc về, anh cứ nằm mơ thấy em. Không hiểu sao, cứ mơ thấy căn phòng chứa đồ này…”

Tôi khựng lại — những chuyện kiếp trước, trong mơ anh ta cũng thấy?

Giọng anh nhỏ dần, tay bám lên khung cửa sổ, các ngón tay siết lại như đang kìm nén điều gì đó:

“Bên ngoài mưa, em đứng chỗ này, cúi người như vậy… cảm giác ấy… thật quá. Hương Hương, anh nhớ em lắm, nhớ đến không ngủ được. Anh luôn nghĩ, chúng ta phải như thế này — em vốn dĩ nên là của anh.”

Trong mắt anh ta, chẳng giấu nổi dục vọng trần trụi.

“Đi với anh. Em nghĩ kỹ chưa?”

Đúng lúc ấy, bên ngoài vang lên tiếng hô thất thanh:

“Tin vui! Tin vui! Có giấy báo rồi! Đậu! Đậu rồi!”

10

Người chạy đến là gã què trong làng tên là Thạch Quang.

Kiếp trước hắn từng giở trò với Sơn Tuyết, nên tôi lúc nào cũng thấy ghê tởm hắn.

Mẹ hắn vừa mất hôm trước, hắn đã đứng chắn ngoài đường đòi tiền phúng viếng. Không trả thì không cho vào nhà viếng.

Vừa bước vào, hắn đã mở miệng đòi tiền thưởng.

Diệp Kiến Bách lập tức vui mừng:

“Giấy báo mà cũng đuổi theo tôi đến tận đây, chắc có người đến đón tôi rồi?”

Thạch Quang đẩy anh ta ra, nói:

“Không phải anh, là của chị Hương với Sơn Tuyết! Tôi chạy nhanh nên đến báo trước, bưu tá sắp tới rồi, còn có lãnh đạo trên trấn nữa đấy!”

Diệp Kiến Bách không tin nổi:

“Làm sao có chuyện đó? Hai người họ? Cũng đậu à? Vậy anh nói luôn là thầy giáo trường làng cũng đậu đi cho rồi!”

Rồi bỗng như tỉnh ra:

“À, tôi hiểu rồi… anh thông đồng với họ gạt tôi chứ gì? Tôi biết anh mê Sơn Tuyết lắm mà — định giúp cô ta lừa tôi đúng không?”

Thạch Quang tức đến mức nhảy cẫng lên:

“Thật mà! Tôi đến gọi Trì Quế Hương đấy! Không tin thì đi theo mà xem!”

Diệp Kiến Bách vẫn không tin.

Đúng lúc ấy, người đến đón anh ta cũng vừa đến.

Anh ta vịn tay vào khung cửa, liếc tôi một cái, giọng mang chút thương hại:

“Trì Quế Hương à, đây là cơ hội cuối cùng đấy. Em đi với anh không? Mạn Mạn hiền lành, không tính toán. Em thành tâm xin lỗi cô ấy, không khó nói chuyện đâu. Còn nếu không đi, thì đời em… chỉ đến thế là hết.”

Chưa dứt lời, bên ngoài đã vang lên tiếng chiêng trống tưng bừng, một đám người thật sự kéo tới.

Lộ Sơn Tuyết vừa giặt đồ ngoài sân, nay đi đầu hàng. Cái thau trong tay đã được người khác cầm hộ.

Vừa thấy tôi, cô ấy mím môi, đôi mắt ánh lên nụ cười, nước mắt rơi không kìm nổi.

Tôi cũng mỉm cười.

Người trong làng ùa vào như nước vỡ bờ, hai hàng xóm đã nhanh chân chạy đi gọi ba mẹ và anh trai tôi.

“Tưới nước cái gì nữa mà tưới — đậu rồi, con gái ông bà đậu đại học rồi!”

“Đại học ở Bắc Kinh đó!”

“Hừ, đừng nói mập mờ thế — không phải đại học nào ở Bắc Kinh đâu, là Đại học Bắc Kinh kìa!”

Ba mẹ tôi bị kéo ra, đầu óc còn lơ ngơ, chỉ biết đờ đẫn quay sang nhìn tôi.

Tôi đưa hai tay ra đón lấy tờ giấy báo trúng tuyển của bưu tá.

Xung quanh lặng ngắt như tờ.

Tôi quay sang nhìn mấy người quen trong làng:

“Anh Ba Lý, anh từng nói em mỗi môn nhiều lắm chỉ được hai mươi điểm. Hơn một điểm thì nhà anh bao rau cho nhà em cả năm.”

“Anh Cửu, anh cũng nói nếu em hơn một điểm thì nhà anh bao gạo một năm.”

Lần này họ không còn cười khẩy nữa.

Chuyển sang xoa dịu:

“Hương Hương à, toàn người lớn trong nhà, tụi anh cũng chỉ muốn khích lệ em thôi mà! Ai chả biết em thông minh.”

“Phải đó, con bé này từ nhỏ đã khác người. Lúc sinh ra trong phòng đỏ rực, mộ tổ còn bốc khói cơ mà, tổ tiên phù hộ rõ ràng rồi!”

Chỉ có Diệp Kiến Bách là đứng như trời trồng — như thể bị sét đánh giữa ban ngày.

“Sao có thể được? Sao có thể? Làm gì có chuyện đó chứ——tôi chỉ được hơn hai trăm điểm, sao cô ta có thể hơn ba trăm được? Có phải cô ta cộng cả văn, lý, hóa, sử, địa… tám môn lại không vậy?”

Anh ta nhào tới định giật lấy giấy báo trúng tuyển từ tay tôi, nhưng lập tức bị mấy người giữ lại.

“Không thể nào! Chắc chắn có gì đó sai!”

Tôi nhìn anh, nhẹ nhàng mỉm cười:

“Hơn hai trăm điểm mà đòi học đại học ở Bắc Kinh thì đúng là không thể thật. Nhưng anh có thể thử chọn trường ở Hồ Bắc, điểm chuẩn thấp hơn đấy?”

Diệp Kiến Bách tức đỏ mặt:

“Tôi có chết cũng không học ở Hồ Bắc!”

Tốt thôi.

Kiếp trước, chính anh ta vì không đủ điểm mới phải chọn đại học ở Hồ Bắc để vớt vát.

11

Diệp Kiến Bách hậm hực định bỏ đi.

Tôi gọi giật lại:

“Khoan đã!”

Anh ta còn chưa hết giận, nhưng vẫn đứng lại:

“Gì nữa? Trì Quế Hương, cô đừng tưởng mình may mắn đậu được đại học là xứng với tôi — nhà tôi là hộ khẩu thành phố đấy!”

“Tôi chỉ muốn hỏi — mười đồng anh còn nợ tôi, định bao giờ trả? Định chuồn luôn à?”

Kiếp trước, anh ta để lại cho tôi đúng mười đồng, khiến tôi khinh bỉ cả đời.

Kiếp này, dù chỉ một xu, tôi cũng không nhượng.

Diệp Kiến Bách mặt đỏ bừng nhưng lục lọi mãi vẫn không lấy ra nổi.

“Cô… sao lại thành ra hẹp hòi như thế? Chỉ mười đồng thôi mà, đáng gì đâu!”

Tôi lạnh lùng nhìn anh ta.

Mười đồng là cả tháng công điểm của tôi.

Mua được bốn chục cân gạo.

Hai trăm cân cải trắng.

Thậm chí đủ đóng học phí cho một năm trung học.

Ngày xưa anh ta nói người nhà bị bệnh, tôi rút số tiền dành dụm mấy năm ra cho vay, còn dặn không cần trả gấp.

Mãi sau tôi mới biết, anh ta dùng tiền đó mua quà cho người yêu!

Lúc anh ta đang xấu hổ không rút ra nổi, thì một giọng nữ vang lên ngoài cửa.

Tô Di Mạn nói để cô ta trả.

Cái giọng kiêu ngạo ấy vẫn như kiếp trước, lúc cô ta về làng chơi, tay cầm khăn lụa, phe phẩy dưới cằm như đang ban ơn.

Gương mặt đầy tàn nhang nhìn càng chướng mắt.

Cô ta hất cằm nhìn chúng tôi:

“Kiến Bách, anh cũng thật là — mình là người thành phố, hơi đâu chấp nhặt với lũ quê mùa này! Chỉ mấy đồng thôi mà, mẹ em còn bảo em đậu đại học là thưởng năm mươi đồng đó.”

Nói đến đây, cô ta quay ra nhìn thấy trống chiêng, đèn kết đầy sân, mắt lập tức sáng rỡ:

“Trời, đông vui thế này! Đang ăn mừng ai đậu đại học hả? Chắc thi giỏi lắm nhỉ, được người ta đuổi theo tận đây báo tin mừng. Để em đoán xem… không lẽ là Bắc Đại à? Kiến Bách, sao tự nhiên anh mặt xanh lè vậy?”

Tôi bật cười.

Tô Di Mạn nhíu mày:

“Cười cái gì? Nhà tôi thi đậu cũng chẳng liên quan gì đến cô!”

Tôi bình thản quay sang gọi anh trai:

“Anh hai, ra sau hồ bắt giúp em một con ba ba. Tô Di Mạn từng nói nếu em đậu, cô ta sẽ chiên cá trên lòng bàn tay cho em ăn đó.”

Tô Di Mạn lập tức nổi giận:

“Cô đậu á? Làm gì có chuyện cô đậu nổi?”

Lộ Sơn Tuyết mỉm cười:

“Tôi cũng đậu rồi đó. Lúc trước chúng ta đã hứa rồi, hai người định chạy kiểu gì đây?”

Nghe nói có người phải cởi truồng chạy quanh trường, dân làng nổ tung như ong vỡ tổ.

Gã què còn chen lên hàng đầu, giành chỗ đứng đẹp nhất.

“Chạy luôn bây giờ hả?”

“Cho tụi tôi chạy theo với được không?”

Tô Di Mạn mặt đỏ bừng, quay người định bỏ chạy nhưng vấp ngã lăn quay ra đất, rồi ngồi đó òa khóc.

Tôi cười to:

“Nhớ nha — chính cô nói đó. Không làm được thì xui xẻo cả đời đấy!”