Bà ta chống nạnh, chỉ vào mặt tôi quát lớn:

“Mày là đồ vô dụng, đến con trai cũng không sinh nổi, còn mặt mũi nào tiêu tiền nhà tao?”

“Tao nói cho mày biết, anh cả của Kiến Quốc mất rồi, theo quy củ, Kiến Quốc phải kế tục cả hai nhà. Lạc Lạc gọi nó là bố là chuyện đương nhiên!”

“Mày mau đến đồn công an, nói hết mọi chuyện là bịa đặt, bảo họ thả Kiến Quốc ra! Nếu không, đợi nó ra tù, nó sẽ bỏ mày đấy!”

Kế tục hai nhà?

Tôi tức đến muốn bật cười.

Bảo sao kiếp trước Từ Kiến Quốc chẳng mấy khi về nhà.

Hỏi thì nói bận việc, nói mẹ bệnh cần chăm sóc.

Hóa ra là ở sau lưng tôi giở trò kế tục với chị dâu!

Một chị gái hay nói chuyện với tôi trong xóm cười khẩy:

“Bà ơi, bây giờ giải phóng được bao nhiêu năm rồi mà đầu óc bà vẫn còn ở thời phong kiến thế?”

“Kế tục cái gì? Kế cái mái nhà dột nát với đống bát đĩa sứt mẻ nhà bà à?”

Mọi người xung quanh bật cười, tiếng cười đầy sự mỉa mai dành cho cái “kế tục hai nhà” mà mẹ chồng tôi nói.

Mẹ chồng tôi tức giận hét lên:

“Việc này có liên quan gì đến các người?!”

Tôi không muốn cãi vã thêm, liền lấy tờ đơn ly hôn ra giơ lên:

“Không cần kế tục gì hết. Tôi đã ly hôn với Từ Kiến Quốc. Đợi anh ta ra khỏi tù, thì cứ việc cưới chị dâu đi!”

Nghe tôi nói muốn ly hôn, mắt Bạch Xuân Liễu bỗng sáng lên.

Mẹ chồng đảo mắt mấy vòng, rồi nói:

“Mã Tú Phân, mày muốn ly hôn cũng được. Nhưng Nhu Nhu là con cháu nhà họ Từ, mày không được mang con bé đi! Còn cái nhà này, cũng phải để lại!”

Nhìn khuôn mặt tham lam của bà ta, tôi bình tĩnh hỏi:

“Còn yêu cầu gì nữa không?”

Bà ta và Bạch Xuân Liễu ghé vào tai nhau thì thầm vài câu, rồi đắc ý nói:

“Nhu Nhu còn nhỏ, làm mẹ thì cũng phải để lại ít tiền ăn chứ? Không cần nhiều, mỗi tháng mười đồng là được!”

Ánh mắt hai người họ nhìn Nhu Nhu cứ như nhìn vào cục vàng.

Nhu Nhu sợ hãi, rụt vào sau lưng tôi.

“Cũng biết mở miệng đòi dữ thật ha.”
Tôi cười lạnh, lôi từ túi khác ra một cuốn sổ nhỏ.

Vì lương tháng không cao, nên tôi luôn tằn tiện, có thói quen ghi chép chi tiêu từ sau khi kết hôn.

Lúc nãy kiểm lại đống phiếu mua hàng bị tráo thành phiếu giả, tính sơ sơ mà tôi còn rùng mình.

“Tôi tính rồi, từ lúc anh cả của Từ Kiến Quốc mất đến nay, gần một năm trời, Từ Kiến Quốc đã lén đổi của tôi ít nhất ba mươi cân phiếu gạo ngon, hai mươi cân phiếu gạo tẻ, chưa kể phiếu vải, phiếu dầu, đủ loại.”

“Chưa tính phần phiếu của chính Từ Kiến Quốc.”

Tôi đóng cuốn sổ lại, nhìn chằm chằm mẹ chồng và Bạch Xuân Liễu, hỏi:

“Phần của Từ Kiến Quốc tôi không đòi. Nhưng những gì của tôi, hai người tính trả lại, hay để tôi đem cuốn sổ này ra đồn công an, để tăng thêm vài tội cho anh ta?”

“Cô sao mà độc ác như thế hả?!”

Không thèm giả vờ dịu dàng nữa, Bạch Xuân Liễu nổi giận nhìn tôi:

“Những thứ đó là cô không giữ cẩn thận, sao lại bắt bọn tôi trả? Bọn tôi có thấy qua bao giờ đâu!”

“Ồ, vậy thì tốt.”
Tôi gật đầu.
“Vậy để tôi mang danh sách này ra đồn công an. Không biết liệu có thể khiến anh ta ngồi tù thêm vài năm nữa không.”

“Còn nữa, tôi sẽ gọi công an đến nhà kiểm tra một lượt. Nếu tôi nhớ không nhầm, chiếc đồng hồ hiệu Hải Âu bố mẹ tôi tặng lúc cưới, cái quần dạ mà anh chị tôi biếu, hai chiếc khăn gối do đồng nghiệp ở xưởng giấy góp tiền mua… đều đã không cánh mà bay.”

Tôi mỉm cười nhìn sang Bạch Xuân Liễu.

Cô ta lập tức kéo tay áo xuống, che đi phần cổ tay.

“Cô đúng là ngang ngược quá mức rồi!”
Mẹ chồng tôi nhảy dựng lên, chửi ầm lên:
“Tôi thấy cô là muốn phản lại chồng, cố tình hại thằng Kiến Quốc! Tôi sẽ không để cô toại nguyện đâu!”

Bà ta kéo mẹ con Bạch Xuân Liễu ra khỏi nhà, lúc ra đến cửa còn quay lại hét một câu:

“Cứ đợi đấy mà xem!”

Ba người biến mất như một làn khói.

Chương 6 tiếp: https://vivutruyen.net/to-tem-phieu-gia/chuong-6