Vừa lướt diễn đàn trường, tôi thấy bài viết của mình đã hot đến mức bùng nổ, phần bình luận toàn chửi Kỷ Trầm cổ hủ, phân biệt vùng miền.
Điện thoại rung lên.
Một tin nhắn từ số lạ hiện ra: “Đồ nhà quê, dám chơi tao à? Đợi đấy.”
Tôi bật cười khẽ, nhắn lại:
“Bạn Kỷ, bạn nói gì tôi không hiểu?”
Sau đó chụp màn hình lại, lưu bằng chứng.
Sáng hôm sau, tôi vừa bước chân vào cổng trường đã cảm thấy bầu không khí có gì đó là lạ.
Học sinh đi ngang tôi, có người chỉ trỏ, có người nhìn tôi với ánh mắt thương hại.
Nữ sinh buộc tóc đuôi ngựa — sau này tôi mới biết tên cô ấy là Trần Nhạc — chặn tôi lại:
“Lâm Thính, cẩn thận đấy. Kỷ Trầm nói muốn khiến cậu không thể trụ lại được ở ngôi trường này.”
Tôi “hoảng hốt” tròn xoe mắt: “Tại sao? Mình đã làm gì sai sao?”
Trần Nhạc thở dài: “Cậu ngây thơ quá rồi. Kỷ Trầm là con trai hội đồng quản trị, còn Lâm Lung là hoa khôi của trường. Màn kịch hôm qua của cậu khiến bọn họ mất sạch thể diện.”
Tôi cúi đầu, giọng nhỏ như muỗi kêu: “Mình… mình chỉ nói sự thật thôi mà…”
“Chị ủng hộ cậu!” – Trần Nhạc vỗ vai tôi một cái – “Giờ cả trường đều biết bản chất thật của Kỷ Trầm là gì rồi. À, chị tên Trần Nhạc, lớp 11(3).”
Tôi biết ơn mỉm cười với cô ấy: “Cảm ơn chị, chị Trần .”
Bước vào lớp học, âm thanh ồn ào ban nãy lập tức tắt lịm.
Lâm Lung cùng nhóm bạn thân ngồi tụ lại ở cuối lớp, thấy tôi vừa bước vào liền đồng loạt hừ lạnh một tiếng.
Chỗ ngồi của tôi nằm trong góc lớp, trên mặt bàn bị ai đó dùng bút đỏ vẽ một chữ to tướng: “Đồ nhà quê”, ghế thì dính đầy bã kẹo cao su.
Tôi đứng yên tại chỗ, mắt đỏ hoe, “lúng túng” không biết phải làm gì.
“Là ai làm?” – Một giọng nam lạnh lùng vang lên.
Tôi quay đầu, thấy một nam sinh cao gầy đeo kính gọng đen đứng phía sau.
Tên trên bảng tên ghi rõ: Chu Mặc.
Cả lớp im phăng phắc.
Chu Mặc không nói thêm lời nào, bước đến chỗ tôi, lấy khăn ướt từ cặp ra, nhanh chóng lau sạch ghế, sau đó dùng gôm xóa sạch chữ trên mặt bàn.
“Ngồi đi.” – Nói xong, cậu ấy quay người trở lại chỗ ngồi, không hề ngoái lại.
Tôi nhỏ giọng cảm ơn, vừa ngồi xuống đã nghe thấy giọng điệu mỉa mai của Lâm Lung vang lên:
“Ôi chao, học bá Chu từ khi nào lại nhiệt tình thế nhỉ? Chẳng lẽ để ý chị gái em rồi?”
Chu Mặc không buồn ngẩng đầu: “Còn hơn có người bày trò mờ ám trong phòng thiết bị.”
Cả lớp bật cười ồ lên, mặt Lâm Lung lập tức sầm lại.
Tôi cúi đầu, khóe miệng khẽ cong lên, giấu đi ý cười.
Tiết đầu tiên là toán học, giáo viên thông báo tuần sau sẽ có bài kiểm tra tháng.
Chuông vừa reo hết tiết, Lâm Lung lập tức kéo cả hội bạn lại vây quanh tôi.
“Chị gái à~” – cô ta kéo dài giọng ngọt như mật – “Nghe nói giáo dục ở quê tụi chị tệ lắm, hay để em gái giúp chị ôn bài nhé?”
Tôi rụt rè lắc đầu: “K-không cần đâu…”
“Đừng khách sáo mà!” – Lâm Lung giật lấy cuốn vở ghi chép của tôi – “Để em xem chị ghi cái gì nào——”
Cô ta vừa mở ra liền hét lên thất thanh, như thể bị bỏng, rồi ném cuốn vở xuống đất.
Trong vở có kẹp sẵn một con nhện giả trông rất thật, là thứ tôi đã cố tình chuẩn bị từ tối hôm trước.
“Em sao vậy?” – Tôi “quan tâm” cúi người nhặt lại cuốn vở – “Ái chà, đây là đồ chơi em trai chị bỏ vào lúc chị còn ở quê đấy, dọa em sợ rồi à?”
Lâm Lung tức đến run người, cô bạn thân của cô ta – Lưu Huyên – chỉ tay vào mặt tôi mà mắng: “Cô cố ý đúng không? Đúng là đồ nhà quê, thâm độc!”
Tôi mắt ngấn lệ: “Em thật sự không biết là em gái sẽ sợ… Ở quê bọn chị, mấy món đồ chơi này bình thường lắm…”
Chu Mặc bất ngờ xen vào: “Quê thì sao? Ông nội tôi kể hồi xưa còn chơi nhện thật kia kìa.”
Một vài bạn học bật cười thành tiếng, Lâm Lung trừng mắt lườm tôi rồi hậm hực bỏ đi.
Đến giờ nghỉ trưa, tôi trốn ra vườn nhỏ phía sau thư viện để ăn cơm – vì căng tin với tôi thì quá đắt.
Vừa cắn một miếng bánh bao, tôi đã nghe thấy tiếng nói quen thuộc vọng ra từ sau hòn giả sơn.
“Con tiện nhân đó! Tao nhất định sẽ khiến nó cút khỏi trường này!” – Giọng của Lâm Lung.
“Đừng nóng,” – giọng Kỷ Trầm u ám – “Sắp thi tháng rồi còn gì? Nó là đồ nhà quê, thi được mấy điểm? Đến lúc đó tụi mình sẽ ‘chăm sóc’ nó kỹ càng…”
Tôi nhẹ nhàng đặt bánh bao xuống, móc điện thoại ra và bật chế độ ghi âm.
“À đúng rồi,” – Lâm Lung hạ thấp giọng – “Tuần sau ba mẹ tao đồng ý tổ chức tiệc sinh nhật cho tao rồi. Đến lúc đó, tao sẽ khiến con nhà quê đó mất mặt trước toàn trường!”
“Ý tưởng hay đấy,” – Kỷ Trầm cười lạnh – “Tao sẽ gọi mấy thằng anh em hỗ trợ.”
Bọn họ thì thầm thêm vài câu rồi rời đi.
Tôi cất điện thoại, cắn một miếng bánh bao lạnh ngắt, môi khẽ nhếch lên thành một nụ cười lạnh lẽo.
Điện thoại rung lên — tin nhắn từ Trần Nhạc: “Cẩn thận đấy, Kỷ Trầm đã mua chuộc mấy thằng học thể thao, định dằn mặt cậu.”
Tôi nhắn lại: “Cảm ơn chị đã nhắc, em sẽ cẩn thận.”
Sau đó chuyển qua thư viện ảnh, tìm một bức ảnh — là bức chụp rõ nét cảnh trong phòng thiết bị giữa Lâm Lung và Kỷ Trầm.
Tôi đã chụp liên tiếp trước khi đẩy cửa vào.
Trong ảnh, tay của Kỷ Trầm đang đặt ngay dưới váy Lâm Lung.
“Tiệc sinh nhật à?” – Tôi lẩm bẩm – “Đúng là đáng mong chờ mà…”
3
Trước giờ học thể dục, tôi trốn trong buồng thay đồ ở góc xa nhất của phòng thay.
Lâm Lung và hội bạn thân đứng ngoài cười nói ồn ào, thi thoảng lại vang lên tiếng cười chói tai.
“Nghe nói người nhà quê không mặc nội y đâu, quấn đại cái khăn là xong!” – Lưu Huyên bịt mũi nói giọng châm chọc.
“Trời ơi, thế thì mất vệ sinh lắm!” – Lâm Lung giả vờ ngạc nhiên – “Chị ơi, có cần em cho mượn vài cái áo lót không? Dù sao size của em chắc chị cũng mặc không vừa đâu…”
Tôi thong thả buộc dây giày, rồi đẩy cửa bước ra ngoài.
Lâm Lung đảo mắt đánh giá bộ đồ thể thao bạc màu trên người tôi, khóe môi nhếch lên đầy giễu cợt.
“Cảm ơn em gái đã quan tâm,” – tôi cúi đầu, giọng lí nhí như muỗi – “Nhưng làng chị năm ngoái vừa mở cửa hàng Đô Thị Mỹ Nhân chuyên bán đồ lót, bí thư thôn bảo đó là mô hình ‘đô thị hóa nông thôn’.”
Nét mặt Lâm Lung khựng lại, rõ ràng không ngờ tôi sẽ phản đòn.
Cô ta hừ lạnh một tiếng rồi hất tay bỏ ra khỏi phòng thay đồ.
Trên sân thể dục, thầy giáo thổi còi tập hợp.
Hôm nay là kiểm tra chạy ngắn 50 mét, chia nhóm theo số báo danh.