1

Mẹ tôi thường nói:

“Cả đời này mẹ thiên vị con gái. Nếu không dành dụm đủ 5 triệu tệ làm của hồi môn cho con, mẹ chết cũng nhắm mắt không nổi.”

Nhưng lương tháng của bà chỉ có 3.000 tệ.

Thế là từ năm nhất đại học, tôi đã cật lực đi làm thêm, gửi hết từng đồng kiếm được vào cái “thẻ hồi môn” đó.

Thật ra tôi không muốn…

Nhưng bà nước mắt lưng tròng:

“Con gái à, mẹ từng trải rồi… những khổ sở mẹ từng nếm, sao nỡ để con phải chịu nữa?”

“Hồi môn có dày dặn, sau này mới có tiếng nói trong nhà chồng…”

Vì muốn dành đủ 5 triệu tệ, tôi chắt bóp từng đồng, sau giờ làm chính còn nhận thêm năm công việc vặt.

Không ngờ, vừa tích cóp là hết 15 năm.

Cuối cùng, tài khoản chuyển khoản của tôi cũng cán mốc 5 triệu.

Thế nhưng, đúng ngày hôm đó, mẹ tôi đột nhiên mắc một căn bệnh hiếm, cần loại thuốc đặc trị cực kỳ đắt đỏ.

Chi phí điều trị vừa vặn là 5 triệu tệ.

Họ hàng thay phiên nhau đến khuyên:

“Tống Tri Vi, bệnh của mẹ con không thể chần chừ, cứu người là quan trọng nhất, chuyện lấy chồng tính sau!”

“Hồi môn có thể tích góp lại, nhưng mẹ chỉ có một!”

Tôi cười khổ, lắc đầu:

“Thẻ hồi môn không còn tiền nữa…”

Chưa dứt lời, cả đám người đã gào lên như điên:

“Đồ vô ơn! Mấy năm qua mẹ mày để dành cho mày từng đồng làm hồi môn, đến dưa muối còn không dám ăn nhiều, mày lại dám nói không có tiền?!”

Em trai tôi túm cổ áo tôi, gầm lên:

“Con tiện nhân này! Vì muốn lấy chồng mà đến cả mẹ ruột cũng bỏ mặc? Cảnh sát phải bắt mày đi tù mới đúng!”

Tôi hất tay nó ra:

“Được thôi, vậy thì báo cảnh sát đi! Để xem ai mới là thứ súc sinh đáng bị nhốt tù!”

Tôi quay về nhà, tự làm một bữa cơm đơn giản, ăn chậm rãi, rồi đi tắm nước nóng.

Hiếm khi không đi làm thêm, tôi lên giường ngủ sớm.

Nửa đêm, cửa phòng bị đạp “rầm” một cái.

Em trai tôi như con thú điên, lôi xềnh xệch tôi từ trong chăn ra phòng khách.

Ngước mắt lên, thấy đủ mặt họ hàng cô dì chú bác.

Mặt em trai đỏ bừng, thở phì phò:

“Số tiền hồi môn mà mẹ tích cho chị rốt cuộc chị để đâu rồi?!”

Tôi bực bội dụi mắt:

“Nói bao nhiêu lần rồi, trong thẻ đó không còn tiền!”

Nó không có bản lĩnh, lại chẳng có đầu óc, nói tiếng người cũng không hiểu!

Buổi trưa nay mẹ tôi đột ngột ngất xỉu, em trai hốt hoảng đưa bà vào bệnh viện tư.

Kết quả kiểm tra là căn bệnh hiếm do đột biến gen, cần thuốc đặc trị nhập khẩu, chỉ riêng chi phí điều trị giai đoạn đầu đã 5 triệu tệ.

Trên giường bệnh, mẹ tôi khóc lóc:

“Con gái à… mẹ thật sự… thật sự không muốn chết đâu… mẹ còn chưa thấy con xuất giá… chưa được bồng cháu ngoại…”

Em trai tôi kiên quyết:

“Trị! Nhất định phải trị! Đừng nói là năm triệu, năm chục triệu cũng phải trị!”

“Mẹ cực khổ nuôi tụi mình lớn, làm con cái, có phải liều cái mạng này cũng phải kéo mẹ về từ tay Diêm Vương!”

Nhìn dáng vẻ hùng hồn của nó, tôi cứ tưởng nó trúng xổ số 50 triệu.

Ai ngờ, ngay giây sau, nó quay sang chìa tay ra với tôi:

“Chị, lấy tiền hồi môn của chị ra trước đi, để chữa bệnh cho mẹ!”

“Con yên tâm, đợi mẹ khỏi bệnh, nhất định cả nhà mình sẽ dành dụm lại hồi môn cho con, đảm bảo cho con gả đi thật rình rang!”

Tôi ngơ ngác nhìn mẹ:

“Mẹ ơi, con làm gì có hồi môn nào đâu?”

Vừa nói, tôi vừa ném thẳng chiếc thẻ ngân hàng chỉ còn 3,12 tệ vào tay em trai.

“Không tin thì tự đi kiểm tra đi!”

Mặt em trai tái xanh, bắt đầu đếm từng đồng ngón tay:

“Mày nói xằng! Tao lương tháng 8000, mẹ 3000, ba 5000, cả nhà chắt bóp dành dụm cho mày suốt 15 năm!”

“Dù không tới 5 triệu thì ít ra cũng phải được 2 triệu chứ! Tiền đâu? Hả?”

“Có phải mày lấy hết đi bao trai rồi không?!”

Nước bọt nó bắn đầy mặt tôi, nhưng tôi lại bình tĩnh một cách lạ thường.

Mãi đến hôm nay tôi mới như bừng tỉnh giấc mộng — thì ra cái gọi là “dành dụm hồi môn” chỉ là một cú lừa.

Tôi quay người định rời đi, lại bị nó kéo ngược về rồi đập cửa cái “rầm”.

Nó gào rú như phát điên, ngón tay chỉ loạn xạ trong không khí:

“Hôm nay nhất định phải tính cho rõ ràng! Tao, ba, mẹ ba người mỗi tháng tổng cộng 16.000, một năm là 192.000, mười lăm năm là 2,88 triệu!”

Ngón tay nó gần như chọt thẳng vào mắt tôi:

“Còn chưa tính lương năm của mày! Một năm ít nhất cũng mấy chục vạn, tổng cộng phải vượt 5 triệu rồi còn gì!”

“Mấy năm nay mẹ chưa từng đòi mày một đồng sinh hoạt phí, toàn bộ đều tiết kiệm để dành hồi môn cho mày, giờ mày lại dám nói không có tiền?!”

Với loại súc sinh này đúng là không cần nói lý.

Tôi bật cười khinh bỉ, chẳng buồn giả bộ thân tình nữa:

“Ý mày là ba người nhà tụi mày suốt 15 năm sống bằng không khí à?”