Năm đầu tiên khôi phục kỳ thi đại học, tôi đã xé nát bài thi trước mặt mọi người rồi lên núi chăn bò.

Con gái của trưởng trại – người luôn được tâng bốc là “thần đồng” cao cao tại thượng – sau khi biết chuyện liền phát điên ngay tại chỗ.

Ở kiếp trước, tôi cùng cô ta tham gia kỳ thi đại học, nhưng lại bị vu oan là gian lận thi cử.

Chỉ vì bài làm của tôi và cô ta giống hệt nhau, mà cô ta lại là người nộp bài đầu tiên trong phòng thi.

Thậm chí vị hôn phu của tôi cũng đứng ra chỉ đích danh tôi là người sao chép.

Tôi kêu oan khắp nơi, nhưng chẳng ai tin.

Cuối cùng tôi bị cấm thi ba năm, còn mất luôn tư cách trở về thành phố.

Tôi bị ép phải ở lại nông trường, ngày đêm chịu đựng sự quấy rối của trưởng trại.

Cuối cùng, tôi bị vu cho là kẻ lẳng lơ ong bướm, bị đánh đập đến chết cóng trong chuồng bò.

Cha mẹ tôi sau khi biết tin đã cố gắng đứng ra minh oan cho tôi, nhưng lại bị gán cho cái mác “tư bản”, tài sản bị cướp sạch, uất ức mà chết.

Cho đến lúc chết tôi vẫn không thể hiểu được – rõ ràng bài thi đó là kết quả của bao ngày đêm đèn sách miệt mài, sao lại có thể giống y hệt bài của con gái trưởng trại?

Lần nữa mở mắt, tôi trở về ngày hôm trước kỳ thi.

Gió bấc bên ngoài rít gào.

“Tiểu Mẫn, mau mở cửa! Anh mang đề thi đến cho em đây!”

Bên ngoài vang lên giọng nói của bạn trai tôi – Vu Đại Hải.

Sau khi xác nhận rằng trên người không còn chút đau đớn nào, tôi lập tức nhận ra mình đã trọng sinh.

Tờ lịch trên tường đã được xé đến ngày trước kỳ thi đại học.

Ở kiếp trước cũng là Đại Hải, đội gió rét mang đề thi mô phỏng đến cho tôi.

Tôi nhìn gương mặt bị gió đông làm nứt nẻ của anh ta, tim không khỏi nhói lên.

Bởi cũng chính gương mặt này, với những đường nét vặn vẹo méo mó vì tức giận, ở kiếp trước đã cùng người ngoài đứng ra vu khống tôi gian lận trong kỳ thi.

Mùa đông năm 1977, tôi ở nhà nóng lòng chờ đợi kết quả thi đại học,

Nhưng lại bị một nhóm người phá cửa xông vào, lôi thẳng đến phòng giáo vụ.

Tôi sững người khi nhìn hai tờ bài thi đại học giống hệt nhau.

Phụ huynh đứng ngoài phòng thi đều đứng về phía con gái trưởng trại – Cát Thanh Thanh, nói tận mắt thấy cô ta là người đầu tiên rời phòng thi,

Nên chắc chắn là tôi đã chép bài cô ta.

Để chứng minh mình không hề gian lận…

Tôi về nhà, lấy những tờ giấy nháp từng dùng ôn thi đưa ra cho họ xem, trên đó chi chít những lời giải bài tập.

Thế nhưng họ lại xé từng tờ nháp ngay trước mặt tôi.

“Cả nông trường ai chẳng biết con gái trưởng trại Cát là thần đồng, từ nhỏ đến lớn đều xuất sắc!”

“Còn cô chỉ là một học sinh bình thường, nghĩ mấy tờ giấy nháp là có thể qua mặt được mọi người sao?!”

“Tôi thấy con bé con của cái tên trí thức thối kia là không cam tâm khi nông trường mình có một thần đồng, nên mới muốn chép bài người ta để được lên đại học!”

Bạn trai tôi cũng đứng ra, cùng họ chỉ điểm tôi.

Tôi kêu oan không ai tin, thứ rơi xuống người tôi không chỉ là mảnh giấy vụn, mà còn là nắm đấm.

Cuối cùng, tôi bị cấm thi ba năm, lập tức bị áp giải về nông trường, tước bỏ tư cách quay lại thành phố.

Từ đó trở đi, trưởng trại Cát lấy cớ “trả thù” mà càng trắng trợn quấy rối tôi hơn, thường xuyên động tay động chân ngay trước mặt các xã viên khác.

Tôi chống cự thì hắn liền bôi nhọ thanh danh tôi khắp nơi.

Cho đến một ngày, dân làng vứt tôi vào chuồng bò, đánh đập tôi dã man.

Giữa mùa đông giá buốt, máu tươi hòa cùng tuyết lạnh nuốt trọn tôi.

Trong miệng là vị máu tanh nồng, bên tai toàn là tiếng mắng nhiếc chua ngoa của vợ trưởng trại.

“Con tiện nhân này, dám quyến rũ lão Cát nhà tao, mày đi chết đi cho tao!”

Về sau, cha mẹ tôi cũng bị tôi liên lụy.

Không những không minh oan được cho tôi, mà còn bị gán mác tư bản, bị tịch thu hết tài sản, ôm hận mà chết.

Nghĩ đến đây, trên người tôi dường như vẫn còn cảm giác đau âm ỉ.

Tôi chưa từng nghĩ kỳ thi đại học mà mình mong ngóng suốt bao năm, cuối cùng lại trở thành lưỡi hái tử thần của cả gia đình.

Sống lại một lần nữa, tôi nhất định phải làm rõ chân tướng, khiến những kẻ vu oan hãm hại tôi phải trả lại sự trong sạch cho gia đình tôi!

2

Bên tai lại vang lên giọng nói oang oang của Đại Hải: “Tiểu Mẫn! Em đang nghĩ gì vậy!”

“Đề thi này em mau làm đi, làm xong chúng ta cùng đến nhà thầy Chu. Cát Thanh Thanh cũng có mặt, lúc đó còn có thể nghe thầy Chu đoán đề giúp cô ấy.”

Tôi nhìn vẻ mặt chân thành chất phác của Đại Hải, thật khó để liên hệ hình ảnh này với dáng vẻ dữ tợn vu khống tôi ở kiếp trước.

Nhưng tại sao anh ta lại thay đổi đến như vậy? Và vì sao lại xuất hiện hai bài thi giống hệt nhau?

Người trong nông trường ai cũng nói Cát Thanh Thanh là thần đồng, rõ ràng trong nhà đến một quyển sách cũng không có, vậy mà lần nào thi cũng đạt điểm cao.

Mọi người thi nhau khen ngợi cô ta, nhưng tôi lại chẳng chút ngưỡng mộ.

Bởi vì những đề mà cô ta làm được, tôi đều có thể làm được.

Chỉ là tôi chưa từng dám để lộ thực lực thật sự của mình.

Năm tôi bị đưa về nông thôn, mẹ đã khóc mà dặn tôi:
“Sách thì phải học, nhưng đừng để lộ mình học quá giỏi, kẻo rước họa vào thân.”

Vì vậy, khi giám khảo đặt hai bài thi giống nhau trước mặt mọi người, chỉ có cha mẹ tôi tin tưởng rằng:

Từng nét chữ trên tờ giấy ấy đều là thành quả của bao năm tôi tích lũy mà viết ra.

Bởi trước khi về nông thôn, tôi đã đọc hết mọi cuốn sách mà ông nội để lại.

Những năm qua, tôi cũng chưa từng từ bỏ việc học hành.

Với nền tảng kiến thức của tôi, đối phó với kỳ thi đại học lần đầu tiên quả thực dễ như trở bàn tay.

Vừa nghe nói Cát Thanh Thanh đang ở nhà thầy Chu, tôi chẳng buồn nhìn đề thi nữa, thu dọn đồ rồi lao thẳng đến nhà thầy.

Vừa bước vào cửa, đã nghe thấy tiếng Cát Thanh Thanh gắt gỏng:
“Sắp nghĩ ra rồi, giục cái gì mà giục!”