Chồng tôi – Hứa Mộ Bạch được thăng chức và có thể đưa gia đình đi theo đơn vị. Anh ấy mua ba vé tàu.

Một vé cho anh, một vé cho mẹ con cô em họ Lục Hiểu Nhã.

“Thanh Thanh, đợi mẹ anh khỏi chân, anh sẽ quay về đón em.”

Kiếp trước Hứa Mộ Bạch cũng từng nói y như vậy. Anh ta đưa mẹ con Lục Hiểu Nhã đi trước, để tôi ở lại chăm sóc mẹ chồng bị gãy chân.

Chỉ vài ngày sau khi Hứa Mộ Bạch rời đi, tôi và tên độc thân già Lưu Lão Tam trong làng bị mẹ chồng – bà Ngô Quế Hoa – dẫn người bắt quả tang khi đang nằm chung giường.

Tôi bị gán tội thông gian, bị dân làng phỉ nhổ, chửi rủa. Trong lúc cùng cực, tôi cố gắng gượng dậy tìm Hứa Mộ Bạch cầu xin anh ta đứng ra giải oan cho mình.

Kết quả lại là cảnh tượng anh ta đang cùng Lục Hiểu Nhã đi khám thai.

Thì ra Hứa Mộ Bạch đã sớm lén lút đăng ký kết hôn với cô ta và có con rồi. Tôi tuyệt vọng, cuối cùng bước vào con đường không lối thoát.

Một lần nữa được sống lại, khi nghe lại những lời quen thuộc đó, tôi chỉ bình tĩnh gật đầu:

“Anh yên tâm, em sẽ chăm sóc mẹ anh thật tốt.”

Chưa đến ba ngày sau khi Hứa Mộ Bạch đi, tôi lập tức gửi điện báo: “Mẹ bệnh nguy kịch, về gấp!”

Anh ta nhận tin dữ vội vã quay về, nhìn thấy mẹ mình – Ngô Quế Hoa – đã bị cưa cụt hai chân, chết sững.

Anh ta muốn thương lượng: “Thanh Thanh, hay là em cứ ở lại quê nhà chăm sóc mẹ anh thêm một thời gian, đợi đến khi mẹ…”

Tôi đeo ba lô hành lý đã chuẩn bị sẵn, bình thản nói:

“Mẹ ai người ấy lo. Tôi là người ngoài, không có trách nhiệm cũng chẳng có nghĩa vụ phải làm người hầu không công cho nhà anh.”

1. Bí mật thăng chức

Khi quyết định thăng chức và điều động của Hứa Mộ Bạch được ban hành, tôi – người vợ chính thức – lại là người biết cuối cùng.

Chị Tần hàng xóm nắm tay tôi cười tươi: “Thanh Thanh, mấy hôm nữa em được đi theo đơn vị rồi! Cuối cùng cũng thoát khổ rồi! Nhớ thỉnh thoảng quay về thăm chị nha, đừng quên chị đấy!”

Tôi chỉ cười trừ.

Lần này Hứa Mộ Bạch về nói là nghỉ phép thăm nhà một tháng, chuyện điều động anh ta giấu tôi kỹ như bưng.

Nếu không nhờ chị Tần nói lỡ miệng, chắc anh ta cũng chẳng định cho tôi biết.

Kiếp trước, khi nghe chị Tần nói vậy, tôi lập tức đi hỏi cho rõ.

Anh ta không thể giấu được nữa, đành thừa nhận: “Thanh Thanh, mẹ con Hiểu Nhã sống khổ quá. Cô ấy cần một công việc ổn định để nuôi con. Anh tính đưa họ đi trước, lần sau sẽ đón em.”

Tôi tức giận: “Dựa vào cái gì? Em mới là vợ anh! Anh đưa mẹ con Lục Hiểu Nhã đi là thế nào? Anh định giải thích với người khác quan hệ giữa anh và cô ta ra sao?”

Hứa Mộ Bạch cứng họng, bị tôi vặn đến nỗi nổi giận: “Giúp người là việc tốt. Em là vợ bộ đội, chẳng phải nên ủng hộ quyết định của anh sao?”

Nhưng tại sao chứ?

Lúc tôi lấy anh ta, anh tay trắng, nhà chỉ có hai túp lều tranh rách nát và một người mẹ ốm yếu, nghèo rớt mồng tơi.

Trong làng chẳng ai muốn gả cho anh, ai cũng chê nhà anh nghèo, mẹ anh – bà Ngô Quế Hoa – thì độc miệng, đanh đá và lười biếng, là gánh nặng.

Chỉ có tôi là không màng tất cả, chấp nhận gả cho anh.

Anh ở đơn vị chẳng giúp gì được cho gia đình, mọi gánh nặng đều do tôi cáng đáng. Tôi cày cuốc ngoài đồng, nai lưng kiếm từng điểm công, chắt bóp từng đồng nuôi sống cả nhà.

Dần dần cuộc sống khấm khá hơn, anh được thăng chức, người cần lo lắng cũng nhiều thêm.

Anh bất ngờ đưa mẹ con Lục Hiểu Nhã về, nói là chị họ xa chồng mất, không còn ai nương tựa.

Hồi đó tôi còn ngây thơ, tưởng anh là người tốt, nghĩ anh đang làm việc thiện.

Cho đến khi anh ta được thăng chức mà vẫn không gửi tiền về phụ giúp sinh hoạt, cho đến khi ăn mặc của Lục Hiểu Nhã cao hơn hẳn so với người trong làng.

Lúc đó, tôi mới lờ mờ nhận ra những lời bóng gió của hàng xóm không phải là không có lý — tiền lương của Hứa Mộ Bạch đều dồn cho mẹ con Lục Hiểu Nhã tiêu xài.

Vì vậy, kiếp trước khi anh ta nói muốn đưa mẹ con Lục Hiểu Nhã đi theo đơn vị, tôi đã không đồng ý.

Hứa Mộ Bạch và tôi cãi nhau dữ dội, cuối cùng anh ta giận dữ bỏ đi.

Tối hôm sau, mẹ chồng tôi — bà Ngô Quế Hoa — “vô tình” bị ngã gãy chân, không thể tự đi lại.

Hứa Mộ Bạch đến, vẻ mặt đầy tha thiết:
“Mẹ bị thương rồi, không thể thiếu người chăm sóc. Thanh Thanh, em vất vả ở lại chăm mẹ thêm một thời gian. Đợi bà ấy khỏi, anh sẽ quay lại đón em.”

Kiếp trước tôi không còn lựa chọn nào khác, đành ở lại chăm sóc bà Ngô Quế Hoa.

Tận mắt nhìn thấy Hứa Mộ Bạch tay xách nách mang hành lý, cùng mẹ con Lục Hiểu Nhã rời đi.

Vì muốn bà ta nhanh hồi phục, tôi đem hết nguyên liệu tốt nhất trong nhà ra tẩm bổ.

Thời đó thiếu thốn, ngoài việc cày bừa vất vả mỗi ngày, tôi còn phải xuống sông bắt cá, lên núi bẫy gà rừng, thỏ rừng để nấu ăn cho bà.

Bà ta nằm liệt giường, việc bưng bô rửa ráy đều do tôi làm.

Sợ bà nằm lâu sinh lở loét, tôi còn phải đun nước lau người cho bà sau khi đã làm xong hết việc nhà.