Hôm tôi nộp đơn từ chức, viện trưởng lại bắt tôi để cho bác sĩ nội trú thực tập hai năm rưỡi – Đổng Hiểu Oánh – hướng dẫn tôi làm phẫu thuật.
Còn dặn tôi phải rộng lượng, tạo thêm cơ hội cho người trẻ.
Về sau viện trưởng lên cơn đau tim, tôi hỏi cô Đổng: “Ngực thì đã rộng rồi, giờ mở phần nào của tim trước đây?”
1
Đó là ngày nực cười nhất trong đời tôi.
Ngay trước lúc vào phòng mổ, tên bác sĩ chính trong hồ sơ phẫu thuật bị đổi từ tôi sang Đổng Hiểu Oánh – một thực tập sinh.
Chưa kịp định thần, bệnh nhân đã được đẩy lên bàn mổ. Lúc đó đang trong giai đoạn kiểm tra tiền phẫu, bác sĩ gây mê còn đang chuẩn bị – bệnh nhân sao lại bị đưa vào?
Đổng Hiểu Oánh đứng dưới đèn mổ, cầm dao phẫu thuật, bất động như tượng.
Kỳ lạ ở chỗ – đây không phải việc cô ta được làm, cũng chẳng có tư cách cầm con dao ấy.
Tôi vừa định gọi cô ta lại thì sau lưng chợt ùa vào một đám người, tay ôm đủ loại thiết bị, “rắc rắc rắc” chụp ảnh Đổng Hiểu Oánh liên tục.
Có người thậm chí còn chưa mặc áo cách ly, chưa đi giày phòng mổ.
“Bác sĩ Đổng, làm ơn đổi vài tư thế.”
“Đúng rồi, đúng rồi, thế này trông mới chuyên nghiệp.”
“Bác sĩ Đổng, biểu cảm nghiêm túc một chút, thể hiện độ khó của ca phẫu thuật này.”
“Chụp thêm vài tấm cảnh tranh luận căng thẳng với đồng đội, diễn viên lên sân khấu đi.”
Vài người ăn mặc chỉnh tề vây quanh Đổng Hiểu Oánh, nhíu mày ra vẻ căng thẳng.
Cô ta đổi sang gương mặt tràn đầy chính nghĩa, giơ dao mổ chỉ vào bệnh nhân đang ngủ say.
“Rất tốt, đây mới đúng là hình ảnh thiên tài y học nữ nên có.”
Tôi không thể diễn tả cảm xúc lúc đó – vì con dao trong tay Đổng Hiểu Oánh… đang cầm ngược.
Nếu ảnh này bị tung ra, mặt mũi bệnh viện chúng tôi mất sạch đến tận chùa Đại Lôi Âm mất.
“Chụp thêm vài tấm đang tiêm thuốc cho bệnh nhân nữa.”
Tiêm thuốc? Đó đâu phải việc của bác sĩ chính phẫu thuật!
Đổng Hiểu Oánh giơ ống tiêm lên, nhắm vào tay bệnh nhân, tay run run, kim tiêm đâm vào da – bệnh nhân hét lên, bật dậy.
“Tiểu Lý?”
Tiểu Lý là bác sĩ thực tập trong khoa.
Thấy tôi, Anh ta cười gượng, nói với Đổng Hiểu Oánh:“Chị tiên nữ ơi, chị đừng chích thật mà, làm bộ làm dáng là được rồi.”
Đổng Hiểu Oánh đáp: “Chích một mũi thôi mà, có đau gì đâu?”
“Chị à, người khác chích thì em không nói gì, nhưng chị hai năm rưỡi nay chưa từng đụng vào kim tiêm.
Lỡ chị lên hứng bơm cho em cả ống khí vào, thì em chết toi ở đây mất.”
“Lắm lời thế? Nằm xuống!”
Tiểu Lý không tình nguyện, lại nằm xuống, kéo tấm khăn che mặt mình lại.
Rắc rắc rắc…
“Được rồi, cảm giác tốt đấy, xong việc!”
Đám người kia ùa ra khỏi phòng mổ như cơn gió.
“Tất cả mấy người làm cái gì vậy? Phẫu thuật sắp bắt đầu rồi, giờ lại phải khử trùng lại từ đầu!”
Tôi rất tức giận – ca mổ hôm nay rất quan trọng, là bệnh nhân quan trọng nhất hiện tại của tôi.
Đổng Hiểu Oánh vừa cởi áo mổ vừa nói: “Chị đến đúng lúc, dọn dẹp lại đi, đừng để ảnh hưởng đến phẫu thuật.”
2
Chỉ thị của Đổng Hiểu Oánh khiến tôi hoàn toàn choáng váng.
Cô ta chỉ là thực tập sinh nội trú của bệnh viện, đến cả thực tập chính thức cũng chưa đạt, mà tôi đường đường là trưởng khoa tim mạch – vậy mà cô ta dám trực tiếp chỉ huy tôi đi dọn phòng mổ do cô ta làm bẩn.
Cô ta tháo khẩu trang, đi ngang qua tôi, vỗ vai tôi, cười nói: “Dọn cho sạch vào nhé.”
Cô ta còn trang điểm nữa – đây là hành vi nghiêm trọng vi phạm quy định.
Phòng mổ khôi phục lại sự yên tĩnh, y tá trưởng bước vào hỏi: “Ca mổ giường 72 có tiếp tục không ạ?”
Tôi giận sôi lên, chất vấn chị ta: “Hôm nay là chuyện gì? Sao không báo cho tôi?”
Y tá trưởng uất ức nói: “Hả? Viện nói là chị đồng ý rồi mà?”
“Tôi hủy ca mổ này. Chị và Tiểu Lý đi với tôi.”
Tôi nén giận quay về khoa, đi được nửa đường thì thư ký văn phòng chạy tới nói: “Trưởng khoa Đỗ, viện trưởng mời chị qua gặp ngay.”
Đúng lúc, tôi cũng đang định đi tìm ông ta.
Tôi bảo y tá trưởng và anh Lý về khoa đợi, còn mình thì theo thư ký đến văn phòng viện trưởng.
Vừa bước vào cửa, viện trưởng đã quát tôi: “Ai cho cô huỷ ca mổ?”
Y tá trưởng báo tin cũng nhanh thật.
Tôi nói: “Phòng mổ bị nhiễm bẩn, cần chuẩn bị lại từ đầu. Theo quy định của bệnh viện thì phải huỷ.”
Viện trưởng tỏ rõ vẻ không vui, chỉ vào ghế sofa: “Quy định là chết, người là sống. Cô nói huỷ là huỷ, có biết gây phiền phức cho bệnh viện thế nào không?
Bây giờ lập tức tiếp tục mổ, đừng làm chậm trễ bệnh tình của bệnh nhân.”
“Tôi nhớ ông cũng từng làm ở khoa tim mạch, chắc ông cũng biết lời ông vừa nói là có ý nghĩa gì rồi chứ?”
Viện trưởng rót trà được nửa chừng thì dừng tay, “rầm” một tiếng đặt mạnh ly trà lên bàn:
“Lão Đỗ, trưởng khoa Đỗ, cô có ý kiến gì với tôi thì cứ kiến nghị với bệnh viện, sao lại trút giận vào công việc? Cô phải có trách nhiệm với bệnh nhân, với chuyên môn, với—”
“—với Đổng Hiểu Oánh?”
Sắc mặt viện trưởng dần tối lại, tôi biết lần này ông ta thực sự tức giận rồi.
“Viện trưởng, muốn tiếp tục ca mổ thì ông cũng nên báo cho bác sĩ Đổng biết chứ. Cô ấy mới là bác sĩ chính, liên quan gì đến tôi?”