5

Tôi thất vọng vô cùng, không muốn thuận theo nữa.

“Tôi không giận dỗi.”

Tôi nâng cao giọng, nhấn từng chữ.

“Nếu có thể làm lại, tôi chỉ muốn sống một mình.”

Bách Lâm khó hiểu.

“Sao lại thế mẹ? Ba đối với mẹ tốt như vậy mà.”

“Tôi vừa mới nói rồi, tôi muốn có tên tuổi và sự nghiệp riêng.”

Bách Lâm bật cười nhạo.

“Sự nghiệp của mẹ á? Mẹ đến cái bánh còn nướng cháy, làm được gì?”

Tống Liêm cũng lắc đầu.

“Em chỉ biết nói suông.”

“Không có anh, em làm được gì, ra ngoài quét đường chắc cũng không ai thuê.”

Hai cha con nhìn nhau, bật cười thầm.

Bách Lâm vỗ vỗ vai Tống Liêm.

“Đúng là người già càng lớn tuổi càng như con nít, nhìn mẹ kìa.”

Tống Liêm khẽ cong môi.

“Phải rồi, già rồi, hồ đồ hết cả rồi.”

Gia đình tôi đều là những người coi trọng sĩ diện, sẽ không gây náo loạn ở tiệc rượu.

Chuyện này coi như tạm gác lại.

Đến tối, khách khứa ra về.

Tống Liêm tắm rửa xong, vẫn như mọi ngày, nằm trên giường đọc sách.

Đọc được vài trang, anh bất ngờ gập sách lại.

“Quán Nguyệt, chuyện ban ngày, em thật sự nghiêm túc à?”

“Em thật sự không muốn sống cùng anh nữa sao?”

Tôi lại lắc đầu.

Tống Liêm sững sờ, ánh mắt lấp lánh bất định.

Một lúc sau, anh đưa bàn tay thô ráp vuốt nhẹ mu bàn tay nhăn nheo của tôi.

“Anh có lúc cũng lầm đường lạc lối.”

“Nhưng bao nhiêu năm qua, em cũng biết tính anh mà, Quán Nguyệt.”

“Trong lòng anh, từ đầu đến cuối, chỉ có mình em.”

“Chuyện kia, anh sai rồi, mình già đến thế này rồi, đừng chấp nhặt nữa, được không?”

Tống Liêm rất ít khi mềm mỏng nhận sai.

Chỉ cần anh cúi đầu, tôi nhất định phải tha thứ.

Nếu không, tôi sẽ trở thành người không biết điều.

Nhưng lần này, tôi không muốn nhường nữa.

“Chuyện đó không liên quan.”

“Tôi chỉ muốn sống một mình, yên ổn.”

Tống Liêm nổi giận.

“Em còn chê anh gì nữa? Anh chưa đủ tốt với em sao?”

“Em ra ngoài, ai chẳng kính trọng gọi em một tiếng ‘Phu nhân Tống’, em còn đòi hỏi gì?”

“Tôi không cần ai gọi mình là Phu nhân Tống.”

“Tôi có tên, tôi là Quán Nguyệt!”

Tôi không nhịn được, cao giọng.

“Tôi không muốn làm vật phụ thuộc vào anh!”

Tống Liêm sững người một lúc, rồi kinh ngạc nói:

“Anh hiểu rồi.”

“Em đang ghen tị với anh đúng không?”

“Thấy anh được phong giáo sư danh dự, em cũng thèm khát hả?”

Nói đến đây, anh ôm bụng cười nghiêng ngả.

“Một người đàn bà chỉ biết nấu cơm dọn nhà như em mà cũng đòi làm giáo sư?”

“Anh còn tưởng em khó chịu chuyện gì to tát lắm cơ.”

“Thôi, đừng nói mấy lời viển vông đó nữa.”

“Anh còn lạ gì em, ngay cả con chuột cũng sợ, không có anh thì em làm nổi cái gì?”

Tống Liêm cười lớn, kết luận.

“Nếu có cơ hội làm lại.”

“Không chọn anh, em nhất định sẽ khổ sở ê chề.”

“Với cái đầu óc này, đến việc nhà còn làm không xong, còn mơ mộng gì?”

“Chỉ có anh mới chịu được em, đừng có không biết điều.”

Tôi tức giận phản bác.

“Anh lúc nào cũng nói tôi ngu ngốc, vậy anh quên rồi à?”

“Tôi và anh là bạn học đại học!”

“Tôi là một trong những nữ sinh đầu tiên đỗ đại học trong cái thời kỳ đó đấy, sao tôi lại ngu được?”

Tống Liêm khịt mũi cười khinh thường.

“Em chỉ là mèo mù vớ phải cá rán thôi, gặp may đấy.”

“Nếu năm đó không phải học được một năm rồi bị điều đi lao động nông thôn, với cái trình độ nửa vời đó, em còn lâu mới lấy được bằng tốt nghiệp.”

“Thôi, anh không thèm cãi mấy chuyện vô bổ này nữa, ngủ đi.”

6

Tống Liêm tắt đèn.

Tôi chìm vào bóng tối.

Anh luôn thích nói tôi ngốc.

Tôi là người miền Nam, làm bánh không khéo, muối dưa cải cũng không giỏi, nhóm lò đất thì toàn để khói mù mịt.

Mẹ chồng từng nói, người vụng về như tôi, cũng chỉ có nhà bà mới chịu cưới về.

Nếu vào nhà khác, tính khí không tốt, có khi đã bị đuổi từ lâu.

Tống Liêm thì cứ xuê xoa:

“Ngốc nhân có phúc của ngốc nhân.”

Anh nói riết rồi, chuyện đó thành sự thật hiển nhiên trong mắt mọi người.

Khi con cái đỗ vào các trường đại học danh tiếng, chúng cũng đua nhau khen:

“Đúng là thông minh giống ba, may mà không giống mẹ, không thì toi rồi.”

Tôi không hiểu tại sao cuộc đời mình lại thành ra thế này.

Ngày trước, tôi là nữ sinh đầu tiên đậu đại học ở làng mình.

Nhận giấy báo trúng tuyển, tôi có cảm giác như cả thế giới đều dưới chân mình.

Rõ ràng tôi từng kiêu hãnh như vậy.

Thế mà sao lại trở thành một người đàn bà tầm thường, bất lực thế này?

Trong bóng tối, tôi âm thầm rơi nước mắt.

Như bao đêm tầm thường khác, ngồi thẫn thờ nửa đêm, vùi mình trong hồi ức và vô tận tiếc nuối.

Đến khi ánh sáng lờ mờ ngoài kia bắt đầu le lói.

Trời sắp sáng rồi.

Tôi phải dậy làm bữa sáng.

Hôm nay, hai đứa con trai sẽ dẫn các cháu về chơi.

Cháu trai thích nhất bánh bao tôi làm, cháu gái thích cháo trứng bắc thảo tôi nấu, con dâu du học từ nước ngoài về thì thích sandwich, còn Tống Liêm thì thích mì sợi nhà làm.

Cả nhà, mỗi người mỗi khẩu vị, tôi sẽ phải bận rộn suốt.

Tôi lật chăn ngồi dậy.

Bỗng ngoài cửa, có một bóng dáng quen thuộc mà xa lạ ập vào.

“Ối giời ơi, mấy giờ rồi hả trời, tối qua Tống Liêm ho suốt đêm, sao cô còn ngủ được vậy?”

“Mau dậy đi, hôm nay điểm công của nó, cô phải phụ làm đấy!”

Một người phụ nữ trung niên mặc áo bông hoa đỏ, tóc búi gọn, gương mặt hồng hào đầy đặn, chân mày dài mảnh.

Bà ấy ôm một chậu gỗ đầy quần áo bẩn.

“Tiện thể giặt luôn mấy bộ đồ này đi nhé.”

“Nhà ngoài kia còn cả đống việc, tôi bận chết đi được.”

7

Tôi ngơ ngác nhìn gương mặt vừa quen vừa lạ đó một lúc lâu, lòng giật mình kinh hãi.

Mẹ chồng?

Bà ấy đã qua đời hơn mười năm rồi.

Từ khi bà mất, tôi mới có vài năm sống thoải mái hơn chút.

Sao bây giờ lại thấy bà?

Tôi đưa mắt nhìn quanh.

Nhà đất tồi tàn, cái bàn gỗ bị gãy một chân, cửa sổ dán đầy giấy báo xám xịt.

Đây chẳng phải là thôn Nam Nê những năm 70 sao?

Nhận ra mình đã trọng sinh, tôi ngồi chết lặng trên giường, trong lòng dâng trào trăm mối cảm xúc.

Mẹ chồng thấy tôi không nhúc nhích, bước tới đẩy vai tôi.

“Ngẩn ngơ cái gì đấy?”

“Hồi trẻ đã ngu rồi, không hiểu sao con trai tôi lại ưng cô.”

Bà thúc giục, giọng đầy bực dọc.

“Nhanh giặt xong quần áo rồi ra đồng tìm tôi.”

Nói rồi, bà hấp tấp bỏ đi.

Tôi ngơ ngác bước theo sau.

Không xa ngoài sân là cái giếng nước.

Vài cô gái trẻ trùm khăn, ngồi xổm bên giếng, vừa đập đồ bằng chày vừa cười nói rôm rả.

“Tống Liêm lại bệnh à?”

“Đúng là công tử thành phố, thân thể quý giá.”

“Quý giá cái gì, xuống nông thôn bảy năm rồi còn chưa quen việc.”

“Chỉ tội con nhỏ Quán Nguyệt ngốc nghếch, lại phải nai lưng ra làm thay.”

“Có gì mà tội. Cứ nhìn cái mặt thư sinh đó đi, nếu không vì mẹ nó quản chặt, tôi cũng cho con gái tôi đi theo giặt đồ rồi.”

Tôi sững người.

Bảy năm lao động nông thôn?

Tôi đi lao động khi mười chín tuổi, đến hai mươi bảy tuổi mới lấy Tống Liêm.

Nghĩa là hiện tại mới là năm thứ bảy?

Tôi và Tống Liêm… còn chưa kết hôn?

Mà mẹ anh ta đã bắt tôi làm việc như người nhà?

8

Tôi lục lọi trí nhớ.

Chuyện đã lâu quá, có những chi tiết đã mơ hồ.

Năm đó, tôi thi đậu đại học sau bao khó khăn từ vùng quê nghèo.

Mới học được một năm thì gặp đúng giai đoạn đặc biệt, tất cả sinh viên đều phải ngưng học, đi lao động nông thôn.

Tôi và Tống Liêm bị phân về thôn Nam Nê ở Thiểm Tây.

Tống Liêm may mắn, quê mẹ anh ta ngay ở đây.

Ba mất sớm, mẹ anh ta bám theo con trai trở về quê.

Trong thôn, ba người cậu họ của anh ta đều có mặt, giúp đỡ rất nhiều.

Cuộc sống của Tống Liêm dễ dàng hơn hẳn các thanh niên trí thức khác.

Ban đầu, tôi đâu có ý định lấy anh ta.

Tôi vẫn còn nuôi hy vọng trở lại trường.

Mỗi ngày sau giờ lao động, tôi giặt giũ xong, ngồi dưới bếp dầu, thắp đèn dầu, miệt mài học bài.

Mẹ tôi vì tôi mà cãi nhau khắp nhà, chiến đấu như gà chọi, chỉ để bảo vệ cái ước mơ tưởng như viển vông của tôi.

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, mẹ tôi vừa khóc vừa cười, đọc đi đọc lại giấy báo, rồi trân trọng ép dưới tấm kính mờ ở đầu giường.

“Bé con nhà mình sẽ nên người, lên thành phố ăn cơm nhà nước!”

“Không phải xuống đồng cày cuốc nữa.”

Không ai ngờ, bao nỗ lực ấy chỉ đổi lại một chuyến đi từ nông thôn miền Nam ra miền Bắc.

Vẫn làm ruộng, vẫn nặng nhọc.

Ngày nối ngày, tháng nối tháng, tôi ngẩng đầu từ mảnh đất vàng, nhìn đôi tay chai sần của mình.

Những công thức và bài thơ từng thuộc lòng giờ mờ nhạt như ánh trăng đáy nước.

Cuộc sống sinh viên trong tháp ngà dần trở thành một giấc mơ xa xôi.

Khi ấy, ai cũng nghĩ mình không còn đường về.

Khắp nơi dán đầy biểu ngữ:

“Biến Nam Nê hoang vu thành ốc đảo Tây Bắc.”

Không hoàn thành, sao mà về được?

Đó không phải việc một đời người có thể hoàn thành.

Tôi bắt đầu cam chịu.

Chấp nhận số phận.

Trong làng, chỉ thấy Tống Liêm là thuận mắt.

Hai người cũng hợp tính.

Vậy nên tôi tiếp cận, lấy lòng, rồi thuận lợi gả cho anh.

Không ngờ, vừa cưới chưa được một năm, chính sách thay đổi.

Tất cả thanh niên trí thức đều được phép hồi hương, được phân công việc.

Nhưng người đông, việc ít.

Phải xếp hàng chờ đợi.

Ban đầu, tôi cũng có cơ hội.

Chỉ là, lúc ấy tôi vừa mang thai.

Nhân viên văn phòng khó xử nói với tôi:

“Đồng chí Quán Nguyệt, công việc này cực lắm, mỗi ngày phải xuống xưởng, làm đến nửa đêm.”

“Thường xuyên leo trèo trên giàn giáo cao chót vót, tình trạng của cô không thích hợp đâu.”

“Hay là đợi đợt sau, tôi kiếm cho cô công việc nhàn hơn.”

Chờ đến đợt sau, con trai lớn đã cất tiếng khóc chào đời.

Mẹ chồng tôi, người trước giờ khỏe mạnh, bất ngờ phát bệnh đau đầu mãn tính.

Không chịu được nước lạnh, không chịu được tiếng ồn.

Tôi chỉ có thể tự mình chăm con, lại nhường cơ hội thêm lần nữa.

Rồi tiếp đó, sinh thêm đứa con trai thứ hai.

Hai đứa trẻ hiếu động khiến tôi kiệt sức, không còn chút ý chí hay hoài bão nào nữa.

Đợi đến khi bọn trẻ lớn hơn, gửi vào nhà trẻ, thì mẹ chồng lại bất ngờ bị đột quỵ.

Thời đó, không thể thuê người giúp việc, nếu không sẽ bị thiên hạ chửi cho chết — nói rằng là phường địa chủ, là phản động.

Chỉ còn cách để tôi chăm sóc mẹ chồng.

Những năm đó, ngày nào tôi cũng lặp đi lặp lại cùng một việc: mua đồ ăn, nấu cơm, giặt giũ, bốc thuốc, lau người cho mẹ chồng, đón hai đứa nhỏ tan học, kèm chúng làm bài tập, dọn dẹp đống bừa bộn trong nhà, tắm rửa cho bọn trẻ rồi đợi chúng ngủ say mới được thở ra.

Ngày nào cũng như vậy.

Tôi như một cái máy, đến khi giật mình nhìn lại, trong gương là khuôn mặt già nua lạ lẫm.

Tóc điểm bạc, nếp nhăn sâu hằn ở khóe mắt, gương mặt mất hết sức sống, đôi mắt trống rỗng mệt mỏi và chai sạn.

Tôi bỗng nhận ra — mình đã già rồi.

Sao thời gian trôi qua nhanh đến vậy?

Tôi hình như đã làm rất nhiều việc, lại giống như chẳng làm được gì.

Cuộc đời nhạt nhẽo và trống rỗng này, tôi sống như con dâu nhà người ta, vợ của người ta, mẹ của người ta — nhưng chưa từng thực sự sống cho mình.

Càng lúc địa vị của Tống Liêm càng cao, tôi lại càng mất đi cái tên của chính mình.

Ai ai cũng gọi tôi là “Phu nhân Tống”.

Còn “Quán Nguyệt” đâu?