Dù sao lớp tôi cũng là lớp trọng điểm, nếu bị mời lên đồn vài hôm để điều tra, lỡ đâu để lại tiền án thì tương lai coi như tiêu.

Chính vì thế nên họ mới hoảng loạn nghe theo lời Phó Tri Dã, chạy đến trước cửa nhà tôi gây chuyện, mong moi được gì đó từ tôi.

Nhưng cũng vì vậy, mà họ lại trúng đúng kế của hắn.

“Tôi chỉ muốn lấy lại số tiền hai tháng đáng ra thuộc về mình, tôi sai ở đâu chứ? Chuyện máy móc nghiền chết người, cũng đâu phải tôi mong muốn!”

“Lục An! Giờ bọn tôi phải làm sao? Cậu không thể mặc kệ bọn tôi được! Bây giờ chỉ có cậu mới giúp được chúng tôi thôi!”

Dù trong lòng đầy căm phẫn với thái độ trở mặt của đám bạn học, nhưng tôi vẫn muốn đích thân dạy cho Phó Tri Dã một bài học.

Hắn đã gây ra những chuyện như vậy, thì nhất định phải trả giá.

Huống hồ, kiếp trước tôi còn chết vì hắn.

Tôi suy tính kỹ càng rồi đưa ra một kế hoạch cụ thể:

“Muốn bắt Phó Tri Dã phải chịu trách nhiệm, trước tiên phải ép hắn quay về. Thế này đi, mai đúng giờ này tụi mình đến lại xưởng, tôi có cách khiến hắn tự lò mặt về.”

Về đến nhà, bố mẹ lập tức hỏi tôi chuyện đã xảy ra.

Tôi kể lại toàn bộ mọi việc xảy ra ở nhà máy hai tháng trước.

“May mà con kịp báo cảnh sát, lúc đó cảnh sát đến rồi con mới thoát được. Giờ phải tìm cách bắt hắn phải trả giá.”

Tuy vậy, điều khiến tôi lo lắng chính là — những bạn học bị lợi ích làm mờ mắt vẫn chưa ai chịu đi báo công an, chỉ vì sợ để lại tiền án.

Kiếp trước họ còn dám vì tiền mà làm chứng giả giúp Phó Tri Dã.

Vậy kiếp này, ai biết được có quay ngoắt lại tiếp tục bao che cho hắn không?

Tôi không thể hoàn toàn tin tưởng những người này.

Tôi cần tìm một bên thứ ba, một thế lực chắc chắn sẽ đứng về phía tôi — công ty bảo hiểm.

Bố mẹ vô cùng ủng hộ:

“Con cần bố mẹ làm gì thì cứ nói! Cái thằng Phó Tri Dã này, còn trẻ mà đã xấu xa như vậy, nhất định không thể để nó nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật! Bố mẹ sẽ đứng về phía con!”

“Còn Tô Niệm Niệm, nhà chúng ta với nhà nó còn là bạn bè lâu năm, vậy mà nó dám giúp người khác hại con? Đúng là không ra gì!”

Tôi nhớ ra còn một việc cần nhờ bố mẹ:

“Bạn học bị nghiền chết kia hình như hoàn cảnh không được tốt lắm, con sợ gia đình bạn ấy bị Phó Tri Dã và Tô Niệm Niệm lừa gạt, tưởng con họ tự nghịch ngợm gây tai nạn.”

“Bố mẹ giúp con đến nhà họ nói rõ sự tình. Còn con, ngày mai sẽ dò hỏi những bạn học khác xem xác cậu ấy bị giấu ở đâu, rồi dẫn mọi người đến lại nhà máy.”

Bố mẹ gật đầu đồng ý.

Tối đó tôi thức trắng đêm để tra thông tin về Phó Tri Dã.

Suốt ba năm cấp ba, hắn luôn thần bí trong trường.

Ngày nào cũng có siêu xe đưa đón, balo mang theo cũng toàn hàng hiệu.

Hắn nói vào trường tôi chỉ để “trải nghiệm cuộc sống”.

Nghe nói gia đình hắn muốn rèn luyện tính chịu khổ cho hắn nên cắt giảm sinh hoạt phí, chỉ giữ lại hình thức bề ngoài cho hắn thể hiện “dáng vẻ cậu ấm”.

Cũng chính vì vậy mà tôi từng thắc mắc — một gia đình giàu có đến vậy, sao lại phải nghĩ cách lừa bảo hiểm để kiếm tiền?

Hồi học, hắn từng khoe khoang tiệc sinh nhật xa hoa, chi tiết đến từng cái đèn chùm cũng nhớ giá bao nhiêu.

Tất cả khiến người khác tin chắc rằng nhà hắn giàu thật.

Nhưng tôi nhớ có lần nhìn thấy trên tay hắn có vết chai sần — thứ mà con cháu nhà giàu không bao giờ có.

Một ý nghĩ táo bạo nảy ra trong đầu tôi.

Tôi lên mạng, gõ cụm từ “gia tộc nhà họ Phó”.

Sau khi đọc hết toàn bộ tư liệu, tôi bật cười.

Quả nhiên, đúng như tôi nghĩ.

Phó Tri Dã à Phó Tri Dã, lần này để tôi tự tay xé toạc lớp mặt nạ mà cậu giấu kỹ bao năm.

Ngày hôm sau, tôi cùng cả lớp đến lại nhà máy.

Trước sự chứng kiến của mọi người, tôi lấy điện thoại gọi đến công ty bảo hiểm, nói rằng có một học sinh từng mua bảo hiểm đã gặp tai nạn.

Chẳng mấy chốc, giám đốc công ty có mặt.

Nhưng khi phát hiện ra tôi chỉ là một học sinh gọi điện đến, ông ta lập tức nổi giận:

“Một đứa con nít mà cũng gọi lên bảo hiểm! Công ty tôi còn bao nhiêu việc! Mau biến ra chỗ khác chơi đi!”

Tôi ném tấm ảnh bạn học bị nghiền chết xuống bàn, lạnh lùng nói:

“Bận quá nên mấy người không biết công ty mình đang bị lừa bảo hiểm à? Bạn tôi chết rất đáng ngờ, mà hơn bốn mươi người cùng mua một gói bảo hiểm, công ty không thấy lạ sao?”

Giám đốc đảo mắt, lảng tránh:

“Mua bảo hiểm thì nhiều người mua lắm! Chúng tôi làm ăn là để kiếm tiền, càng nhiều người mua càng tốt, ai mà đi điều tra mấy thứ đó! Con nít biết gì mà nói!”

Tôi ném luôn tập hợp đồng bảo hiểm xuống bàn:

“Càng nhiều càng tốt? Vậy giải thích sao đây — sao hợp đồng bảo hiểm lại được kẹp vào chung với giấy phỏng vấn, cố tình lẫn lộn trắng đen?”

ĐỌC TIẾP : https://vivutruyen.net/guong-mat-thssjt-sau-mac-nam-than/chuong-6