Vào đúng ngày tôi được nghỉ, tôi nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp.
Người dẫn chương trình cho buổi livestream miễn phí hỗ trợ nông dân do công ty chúng tôi tổ chức đã ngất xỉu vì làm việc quá sức. Giờ tôi phải lập tức thay thế.
Tôi liền lái xe đi ngay, nhưng không ngờ khi đến gần khu chợ, bánh xe lại cán phải một quả quýt vừa rơi ra khỏi giỏ của một ông lão.
Ông ấy chặn trước đầu xe tôi, bắt tôi phải chịu trách nhiệm.
Tôi đưa ông ta 50 tệ để bồi thường, nhưng ông chỉ nhìn bộ dạng vội vàng của tôi rồi cười khẩy:
“Cô bé, quả quýt này không phải 50 tệ là xong đâu nhé. Ít nhất cũng phải 1000 tệ. Không thì tôi cứ đứng trước xe cô, không nhúc nhích đâu.”
Nhưng ông lão đâu biết rằng, buổi livestream tôi đang gấp gáp tới… chính là để giúp quảng bá vườn quýt nhà ông ấy.
1
Chợ quá đông, tôi đành phải giảm tốc độ xe.
Điện thoại kết nối Bluetooth, giọng đồng nghiệp thúc giục vang lên trong xe:
“Mau lên đi Nguyện Nguyện, không có ai dẫn dắt thì livestream vắng tanh luôn rồi!”
Tôi siết chặt vô lăng, ngẩng đầu nhìn đám người chắn trước mặt, không nhịn được mà lầu bầu:
“Tôi đang bị kẹt xe đây. Cái chợ này là ai mở vậy, mặt mũi lớn quá rồi, tràn cả ra đường…”
“Bộp!” — một âm thanh bất ngờ vang lên, cắt ngang lời tôi.
Phía trước, một ông lão mặt mũi dữ tợn đập mạnh vào kính chắn gió, chỉ thẳng vào tôi, miệng lảm nhảm gì đó như đang mắng chửi.
Tôi lập tức tháo dây an toàn và xuống xe. Vừa định hỏi chuyện gì xảy ra, cánh tay đã bị ông ta túm lấy.
Ông kéo mạnh tôi ra phía trước, chỉ vào bánh xe bên phải:
“Thấy chưa? Một quả quýt ngon lành bị cô cán nát thành nước rồi! Mắt mũi cô để đâu hả?”
Tôi nhắm mắt lại, thở dài cạn lời.
Một quả quýt to hơn quýt đường chút xíu thôi, có cần làm quá như vậy không?
“Ông ơi, tôi không cố ý. Quả quýt này bao nhiêu tiền, tôi đền là được mà.”
Thôi, không cần ông ta hét giá nữa. Dù gì cũng chỉ là một quả quýt, tôi cứ đưa tiền để ông không bị thiệt là xong.
Tôi quay người định vào xe lấy điện thoại để chuyển khoản thì ông lão lại túm chặt tay tôi:
“Cô định làm gì? Muốn chạy à? Đền tiền đây!”
Tôi bắt đầu bực, hất tay ông ra:
“Tôi đang lấy điện thoại để chuyển tiền cho ông đấy!”
Ông lão liền nhổ một bãi nước bọt lên nắp xe:
“Cô bớt giở trò đi. Cô nghĩ tôi không nhìn ra à? Cô định lên xe phóng đi cho thoát!”
Ông ta nắm chặt lấy tôi:
“Hôm nay cô mà không đưa tiền thì đừng hòng rời khỏi đây! Đưa tiền đây!”
Mọi người xung quanh bắt đầu nhìn về phía này, nhưng không ai đứng ra giúp đỡ.
Tôi hiểu mà. Gặp kiểu người vô lý như thế này, bị vu oan là điều chắc chắn, ai mà dám dây vào.
“Tôi không có tiền mặt, tôi dùng điện thoại để chuyển khoản cho ông.” – tôi lạnh lùng nói.
Nhưng ông lão vẫn giữ chặt tôi:
“Cô chỉ muốn chạy trốn, tôi không tin cô đâu.
“Cô nhìn xem, mặt mũi thì lẳng lơ, trẻ tuổi mà đi xe sang, nhìn là biết không phải người đàng hoàng! Nói chung là đừng hòng trốn!”
“Ê, tôi nể ông lớn tuổi nên không muốn chấp, nhưng ông nói năng cho tử tế!” – tôi chỉ tay vào mặt ông ta cảnh cáo.
Rồi quay ra chợ lớn tiếng:
“Có ai có 50 tệ tiền mặt không? Cho tôi mượn một lát, tôi chuyển khoản lại sau.”
Một cô bán hàng đưa 50 tệ đến:
“Cô bé, mau đưa cho ông ấy đi.”
“Cảm ơn cô.”
Tôi nhận lấy tiền mặt rồi đưa cho ông lão cứng đầu:
“Năm mươi tệ một quả quýt, cầm lấy đi.”
Nhưng ông ta chẳng thèm nhìn đến tờ tiền, cười nham hiểm:
“Cô bé, quả quýt này không phải 50 tệ là xong đâu, ít nhất cũng 1000 tệ. Không thì tôi không đi đâu hết.”
2
“Một quả quýt mà ông đòi tôi một ngàn tệ, ông cũng to gan thật đấy.”
Tôi bật cười vì tức, không còn chút tôn trọng nào với ông lão này:
“Chỉ có 50 tệ, ông lấy thì lấy, không thì tôi đi. Tôi còn việc.”
Không nói thêm lời nào, ông ta ngồi bệt xuống đất, vừa đập tay xuống đường vừa gào khóc:
“Cán hỏng quýt của tôi mà còn muốn bỏ đi? Mọi người nhìn đi, cô gái này bắt nạt người già đây này! Mau lại đây mà xem, bây giờ thanh niên là thế đấy!
Xã hội bây giờ nát cũng vì có mấy đứa như thế này!”
Tôi lùi lại một bước, lạnh giọng hỏi:
“Rốt cuộc ông muốn gì? Nói nhanh đi, đừng làm mất thời gian của tôi.”
Ông lão lại đứng bật dậy, lấy lại giọng điệu mạnh mẽ đầy ngang ngược:
“Giờ mới biết hỏi hả? Muộn rồi!
“Tôi nói cho cô biết, giờ 1000 tệ không đủ nữa đâu! Ai bảo cô lúc nãy không chịu trả ngay?”
“Bây giờ giá đã tăng lên 5000 tệ rồi, mau móc ra đây!”
Tôi lại lùi về phía xe, nâng giọng lên một chút:
“Một quả quýt chưa tới một tệ mà ông đòi tôi năm nghìn tệ á?”
Ông lão giận dữ lao tới, hùng hổ quát:
“Cô trả không? Quýt nhà tôi là hàng quý đấy, không có năm nghìn tệ thì đừng hòng xong chuyện. Nếu cô không đưa cũng được… tôi sẽ cho cả thế giới biết cô là gái bán thân, dựa vào thân thể mà kiếm tiền!”
Ánh mắt ông ta nhìn tôi đầy khinh bỉ, đảo một vòng từ đầu đến chân, rồi nở một nụ cười nhơ nhớp, cúi người thì thầm:
“Hoặc là… cô theo tôi một đêm, coi như trả nợ quả quýt đó, thế là rẻ cho cô rồi. Quả quýt nhà tôi còn quý hơn cô nhiều.”
Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc gần đến vậy với một loại người ghê tởm như thế. Thật sự là tôi bị sốc tận óc.
Con người sao có thể ghê tởm đến mức này?
Thậm chí ông ta không còn xứng đáng được gọi là người nữa.
Tôi chẳng buồn nói một lời, chỉ quay người định mở cửa xe lấy điện thoại.
“Ê, cô định làm gì đó?”
Đối với tôi lúc này, ông ta chính là con thú đội lốt người.
Lão ta phản xạ cực nhanh, lập tức túm lấy tay tôi. Tôi phản xạ lại, hất tay ông ta ra:
“Đừng chạm vào tôi!”
Tôi lùi lại một bước để kéo giãn khoảng cách:
“Bây giờ ông không chỉ đang tống tiền, mà còn quấy rối tình dục tôi. Tôi không muốn nói thêm câu nào nữa, ông cứ nói chuyện với luật sư của tôi đi.”
Ông ta ngẩn người:
“Luật sư nào cơ?”
Tôi thật sự không muốn giao tiếp với loại người như thế này. Nhìn ông ta thôi cũng thấy bẩn rồi.
Cuối cùng, một người bên cạnh cũng không nhịn được mà lên tiếng:
“Cô bé định báo công an đấy.”
“Báo công an?” – Ông ta hét lớn – “Cô muốn báo công an à?”
Tôi mở cửa xe, lấy điện thoại ra, thì giọng ông ta lại vang lên sau lưng:
“Cô… cô báo cái gì chứ? Tôi đã làm gì cô? Tôi có sờ mó cô không? Tôi có làm gì đâu? Cô báo cũng vô ích, tôi không nhận đâu!”
Đúng là không có kiến thức pháp luật cơ bản, tôi chẳng ngạc nhiên gì cả.
Chứ người tử tế ai lại muốn phát tài nhờ một quả quýt?
Tôi lấy được điện thoại rồi.
Cuộc gọi từ đồng nghiệp gọi đến liên tục mấy cuộc.
Tôi gọi báo cảnh sát trước, sau đó mới gọi lại cho đồng nghiệp.
Ông lão kia bỗng ngồi phịch xuống đất, bắt đầu gào khóc ăn vạ:
“Còn pháp luật không? Tôi mới nói có mấy câu mà nó cũng đòi báo công an? Cô tưởng có tiền là bắt nạt được người nghèo à?
“Cô cứ báo đi, tôi có làm gì đâu!
“Ôi! Tôi không chịu nổi nữa rồi! Tôi muốn chết đây! Mọi người nhìn đi, một đứa con gái mới hơn hai mươi mà bắt nạt một ông già ngoài sáu mươi tuổi như tôi…”
Điện thoại được kết nối, đồng nghiệp hỏi tôi bao giờ tới nơi, rồi ngập ngừng:
“Khoan đã… bên cậu có tiếng gì vậy?”