Kỳ nghỉ lễ 1/5, em chồng dẫn theo đứa con nghịch như quỷ đến ở nhà tôi.

Ngay ngày đầu tiên, thằng bé đã làm vỡ món đồ kỷ niệm của mẹ tôi.

Tôi bảo nó xin lỗi, em chồng lại thờ ơ như không:

“Chị dâu cũng thật là, chấp nhặt với con nít làm gì? Có đáng không?”

Tôi tức giận đến bốc hỏa.

Chồng tôi lại đứng ra trách ngược:

“Mẹ em cũng mất rồi, mọi người đều là người một nhà, sao em cứ phải tính toán vậy? Sao em nhỏ nhen thế?”

Tôi cười nhạt. Đã thế thì để mọi người cùng điên luôn cho vui!

Sau đó, thằng nhóc làm vỡ bộ sưu tập figure của chồng tôi, còn phá luôn cái máy tính của anh ta.

Chồng tôi phát điên, quay sang hỏi sao tôi không trông chừng nó.

Tôi bắt chước đúng giọng điệu của anh, thản nhiên nói:

“Đồ hư thì cũng hư rồi, mọi người là người một nhà cả, chẳng lẽ anh định chấp nhặt? Thế thì đúng là lòng dạ nhỏ mọn thật.”

1.

Tan làm về nhà, tôi phát hiện em chồng – Linh Hiểu – đã dọn vào cùng với con trai.

Tôi hỏi chồng thì anh bảo hai mẹ con em ấy chỉ ở tạm vài hôm.

Hành sử không hề bàn bạc trước của chồng khiến tôi cảm thấy không thoải mái.

Nhưng người ta đã đến rồi, cũng khó mà đuổi đi được.

Vài ngày sau, tôi bắt đầu thấy có gì đó sai sai.

Em chồng hành xử như thể mình là bà chủ trong nhà.

Cả ngày chẳng nấu cơm, còn chê bai đủ kiểu.

Tôi đi làm mệt mỏi về vẫn phải lo nấu nướng cho hai mẹ con cô ấy.

Nấu chậm chút thì bị càm ràm:

“Nấu có bữa cơm mà lâu vậy, em đói muốn chết rồi đây.”

Nhìn dáng vẻ ung dung đó, tôi chợt thấy mình chẳng khác gì người giúp việc.

Không nhịn nổi nữa, tôi nói thẳng:

“cô có thời gian thì tự nấu đi, đâu phải chờ tôi về mới ăn được.”

Sắc mặt cô ta lập tức sầm xuống:

“Em cả ngày chăm thằng Chí Hào muốn kiệt sức, còn hơi sức đâu mà nấu nướng.”

Tôi chỉ muốn trợn trắng mắt. Vì tôi thấy cô ta toàn ôm điện thoại chơi, có chăm con đâu.

Không ngờ sau đó cô ta càng quá quắt hơn.

Hôm đó tôi mệt trong người, nhưng vẫn cố nấu một bàn ăn.

Cô ta vừa thấy món liền chê bai:

“Sao lại là mấy món này nữa? Chí Hào đang tuổi lớn, ăn hoài mấy thứ này sao được.”

Lần này tôi không nhịn nổi nữa, phản bác lại:

“Muốn ăn gì thì tự nấu đi. Tôi đi làm về còn phải phục vụ hai mẹ con cô à? Cô là hoàng đế chắc? Hay cô trả tiền cho tôi rồi?”

Cô ta bĩu môi, gắp đồ ăn hờ hững, rồi buông lời khinh khỉnh:

“Anh em ngày nào cũng ôn thi, không ăn thịt bò, thịt cừu thì sao đủ sức. Ăn mấy thứ này, không khác gì cho heo ăn.”

Tôi giận đến đỉnh điểm. Tôi đã cố gắng nấu ăn sau khi tan ca mà còn bị chê bai?

Tôi liền đổ hết chén cơm của cô ta vào thùng rác:

“Không ăn thì tôi đem cho chó.”

Cô ta tức đỏ mặt, trừng mắt nhìn tôi, rồi quay sang nhìn chồng tôi – Lâm Thông:

“Anh xem kìa, chị ấy nói chuyện khó nghe như thế đó.”

Nghe vậy, Lâm Thông lập tức lên tiếng:

“Đủ rồi, nó là em gái anh, sao em lại nói như vậy? Mai mua ít bò với cừu về đi. Nó nói đúng mà, anh cần dùng đầu óc, Chí Hào cũng đang lớn.”

Giọng anh ta ra lệnh với tôi.

Tôi bốc hỏa:

“Tôi cho anh mặt mũi rồi phải không? Muốn ăn thì ăn, không thì cút!”

“Anh là chủ gia đình mà để một người phụ nữ dắt mũi thế này, nói ra không sợ người ta cười sao?”

Em chồng vừa nói vừa đay nghiến, rồi ung dung bỏ bàn ăn ra ghế salon ngồi.

Tôi giật lấy bát cơm trong tay Lâm Thông, rồi gom hết đồ ăn trên bàn đổ thẳng vào thùng rác.

Nhìn thấy họ trong nhà là tôi đã thấy bực, nên tôi đập cửa bỏ đi, sang nhà bạn ngủ nhờ một đêm.

Trước giờ tan làm hôm sau, một đồng nghiệp nhắn tin bảo tôi xuống dưới, có điều bất ngờ.

Vừa bước xuống, tôi thấy Lâm Thông đang đứng trước công ty, ôm một bó hoa lớn.

“Vợ ơi, hôm qua anh suy nghĩ lại rồi, đúng là anh sai. Anh cũng đã nói chuyện với em gái anh, nó biết lỗi rồi.”

“Nó bảo vài hôm nữa tìm được chỗ ở sẽ dọn đi.”

2

Tôi với em chồng vốn chẳng thân thiết gì từ đầu.

Hồi mới cưới, cô ta đến mượn tiền, bảo là muốn mở một tiệm trà sữa.

Tôi nghĩ cũng được, tự kinh doanh còn hơn đi làm thuê.

Tưởng là định nhượng quyền thương hiệu nên tò mò hỏi vài câu, ai ngờ bị lườm nguýt:

“Phải làm thì làm thương hiệu riêng, mấy cái nhượng quyền đó toàn lừa đảo.”

Nhưng mấy năm nay tôi đã thấy không ít người cũng nói làm thương hiệu riêng, kết quả chưa đầy nửa năm là phá sản.

Tôi khuyên cô ta nên cân nhắc kỹ, phân tích cho rõ thiệt hơn.

Cô ta liền quay sang trách móc:

“Chị dâu, em thấy chị không muốn cho em mượn tiền thì cứ nói, kiếm đủ lý do làm gì. Chị yên tâm, sau này em làm ăn phát đạt rồi, chia phần trăm lời lãi cho chị không thiếu đâu.”

Nể tình người nhà, tôi vẫn nhẹ nhàng khuyên nên suy nghĩ lại.

Vậy mà cô ta lại nổi cáu:

“Chị đúng là không muốn thấy người ta khá lên. Ngoài miệng nói là người nhà, chứ lòng dạ nhỏ nhen không ai bằng!”

Sau đó, Lâm Thông lại lén đứng ra bảo lãnh vay ngân hàng giúp cô ta mà không hề nói với tôi.

Quán trà sữa chỉ mở được hai tháng đã dẹp tiệm.

Không có khả năng trả nợ, cuối cùng họ mới đến nói thật và cầu cứu tôi.

Nghĩ đến tình cảm gia đình, tôi cũng không nỡ ngoảnh mặt làm ngơ.

Lúc đó chồng tôi đã nghỉ việc, ở nhà chuyên tâm ôn thi công chức.

Anh ta mê mẩn công việc công chức như thể đó là ước mơ cả đời.

Ban đầu vừa đi làm vừa ôn thi, thi hai lần đều trượt.

Tôi tưởng anh sẽ bỏ cuộc, ai ngờ lại quyết định nghỉ hẳn để tập trung ôn.

Nhưng rồi lại thêm hai năm nữa trôi qua mà vẫn không có kết quả.

Tôi định khuyên anh từ bỏ, ba lần trượt thì có lẽ không phù hợp với ngành này, nhưng lại sợ làm tổn thương lòng tự trọng của anh.

Không biết bao nhiêu đêm sau mỗi trận cãi vã, tôi lại ngồi một mình tự hỏi: rốt cuộc năm xưa mình yêu anh vì điều gì?

Thế nhưng mỗi lần như vậy, anh lại ra vẻ đáng thương, nhẹ nhàng xin lỗi, dỗ dành tôi.

Lần này cũng thế. Tôi lại mềm lòng.

Tôi nhận lấy bó hoa, anh lập tức nắm lấy tay tôi, cười toe toét.

Tôi tự trấn an mình: thôi ráng thêm chút nữa, người đi rồi là xong.

Lần trước tôi nổi giận, em chồng quả thật ngoan ngoãn hơn hẳn, không đưa ra yêu sách gì thêm, không khí trong nhà cũng dễ chịu hơn nhiều.

Nhưng vài hôm sau, cô ta lại bắt đầu giở chiêu.