6
Từ hôm đó, tôi chủ động nhận nấu ăn cho Tiêu Dã.
Tay nghề của tôi cũng ngày một tiến bộ.
Mỗi tối rảnh rỗi, tôi lại ra trụ sở đội sản xuất ngồi tán gẫu với trưởng thôn, nhân tiện xem tivi, cập nhật chút tin tức bên ngoài.
Còn Tiêu Dã thì sau khi gặt xong lúa nhà mình, lại tiện tay giúp luôn mấy nhà khác trong thôn.
Giờ trong thôn toàn người già neo đơn, không nỡ rời đi.
Làm việc đồng áng cũng không dễ, Tiêu Dã là một trong số ít thanh niên còn lại, lại thêm dáng người cao to lực lưỡng.
Anh ấy nói:
“Vốn cũng chỉ là việc tiện tay thôi.”
Gặt xong lúa còn phải phơi, phơi xong lại lo tìm người thu mua, thương lượng giá cả.
Bận bịu liên miên, kéo dài gần cả tháng trời.
Như thường lệ, tôi chuẩn bị cơm tối cho anh ấy.
Lúc Tiêu Dã về, mặt trời gần như đã lặn xuống núi.
Nhưng anh ấy không vào ăn cơm ngay.
Mà đi tới trước mặt tôi, lôi ra từ sau lưng một cái túi.
Tôi mở ra xem, là một chiếc váy.
“Tự nhiên nhớ tới mua váy cho tôi vậy?”
Anh ấy có hơi ngượng ngùng:
“Hôm nay tôi xuống núi, thấy người ta bán, mấy cô gái kia bảo là mẫu váy mới nhất. Tôi nghĩ cô mặc chắc chắn sẽ đẹp.”
Tôi lấy váy ra nhìn một lượt.
Kiểu dáng không hẳn xuất sắc, thậm chí hơi sặc sỡ, nhưng chất liệu mềm mại, sờ vào rất dễ chịu.
Chắc cũng tốn kha khá tiền.
Vừa hay lúc về làng tôi chẳng mang theo váy vóc gì, chỉ vác vài bộ đồ đơn giản mấy cô bạn thân tặng.
Cũng lâu rồi chưa mặc váy.
Tôi mỉm cười, xách váy về nhà thay.
Rồi quay lại trước mặt Tiêu Dã, xoay một vòng.
“Thế nào, đẹp không?”
Tiêu Dã nuốt một ngụm cháo, làn da nâu rám nắng hiếm hoi ửng đỏ.
“Đẹp lắm. Tôi biết ngay cô mặc vào sẽ hợp.”
Nói rồi anh ấy đứng dậy, thu dọn đồ đạc, khoác thêm chiếc áo ngoài.
“Tôi phải ra ngoài một chuyến nữa, mang tiền bán lúa chia cho từng nhà.”
Tôi gần như không nghĩ ngợi:
“Để tôi đi cùng anh nhé.”
Những ngày qua tôi mới hiểu việc bán lúa vất vả thế nào.
Phải đi tới đi lui, so giá từng nơi một.
Chênh lệch chỉ một hào thôi, nhưng cộng dồn lại cũng thành kha khá tiền.
Tôi tuy không phải quá thông minh, nhưng mấy phép tính cơ bản thì vẫn ổn.
Những ngày Tiêu Dã bận chạy ngược xuôi hỏi giá, tôi ở nhà tính toán giùm số tiền từng nhà từng hộ được nhận.
Nói thật, nếu đem tiền đi phát, tôi còn thông thuộc hơn anh ấy.
Tiêu Dã cũng nghĩ ra điểm này, khẽ gật đầu.
Tôi theo anh ấy, từ đầu làng phía Đông đi tới tận cuối làng phía Tây, gần như đi hết cả thôn.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi thật sự ghi nhớ rõ từng ngôi nhà trong làng.
Nhà cuối cùng, là một bà lão.
Bà họ Lưu, năm nay hơn tám mươi tuổi rồi.
Khi Tiêu Dã đưa tiền cho bà, bà đang ngồi dưới ánh đèn, lúi húi xâu kim.
Mò mẫm mãi cũng không xâu được, cuối cùng vẫn là Tiêu Dã lấy một sợi chỉ mới, nhanh nhẹn xỏ qua rồi đưa lại cho bà.
Bà ngẩng đầu, cười hiền hậu:
“Ối chà, mắt người trẻ vẫn tinh hơn hẳn. Tiểu Dã, hôm nay lại tới đây à?”
Tiêu Dã nâng cao giọng:
“Cháu tới đưa tiền bán lúa cho bà đây.”
“Bà không cần! Cầm về đi! Bà già rồi, cần gì tiền nữa!”
“Đưa rồi thì bà cứ nhận đi. Nghe nói chị Tiểu Noãn mới sinh được con trai, tới lúc người ta đón bà lên, bà cũng cần có ít tiền mừng cho cháu chắt chứ.”
Nghe vậy, bà Lưu cũng không từ chối thêm nữa.
Quay sang nhìn thấy tôi, bà cười tít mắt:
“Ơ, đây là vợ cháu à? Xinh quá, nhìn hai đứa đẹp đôi thật đấy.”
Tiêu Dã vội vàng lắc đầu:
“Không phải đâu, là con gái nhà chú Lăng.”
“À à à! Đúng rồi, đúng rồi! Bà già rồi nên hay quên, chắc là bé Nhạc phải không?”
Bà cười, lục trong túi lấy ra ít trái cây khô:
“Bà nhớ ra rồi, hồi nhỏ thông minh ngoan ngoãn lắm, nghe đâu còn đậu vào trường đại học tốt nữa. Giỏi lắm! Đây, cầm lấy chút quà bà tự tay phơi.”
Những lời khen thế này, tôi từng nghe không ít.
Chỉ khác là, trước đây ở nhà họ Lâm, mọi người đều khen ngợi cô con gái thật sự — người mà tôi chưa từng gặp mặt.
Còn giờ, là ở thôn quê này.
Tôi kìm nén cảm giác khó chịu trong lòng, vội vàng mở miệng trước cả Tiêu Dã:
“Bà ơi, cháu không phải Nhạc đâu. Cháu tên là Lâm Thính Lam, cũng là con gái nhà chú Lăng.”
“À, vậy à, ối chà, bà già rồi, lẫn lộn hết.”
Tôi định nói cho bà biết bà không nhớ nhầm đâu.
Người bà đang nhớ chính là Lăng Nhạc — cô gái thông minh, hiếu thảo, đỗ đạt kia.
Còn tôi thì…
Chuyện trẻ bị trao nhầm từ nhỏ quá phức tạp, tôi cũng chẳng biết phải mở lời thế nào.
May mà Tiêu Dã đứng ra giải vây:
“Thôi, bà ơi, tụi cháu còn phải đi tiếp, không làm phiền bà nữa.”
Đi được một quãng xa, Tiêu Dã mới cất lời.
“Bà Lưu già rồi, nhớ nhớ quên quên, chứ không cố ý nhận nhầm người đâu.”
“Tôi biết mà.” Tôi cười cười, vung tay cho qua,
“Thôi, nhận nhầm cũng chẳng sao. Người ta giỏi giang như vậy, bị nhầm với cô ấy cũng coi như tôi hưởng ké vinh quang rồi.”
Không ngờ nghe vậy, phản ứng của Tiêu Dã còn dữ dội hơn tôi.
“Không phải!”
Tôi ngẩn ra:
“Hả? Không phải cái gì?”
“Không phải hưởng ké gì hết.” Anh ấy ngừng một nhịp,
“Cô là cô, cô ấy là cô ấy. Cô ấy giỏi, nhưng cô cũng không kém.”
Dù biết chắc đây chỉ là lời an ủi, nhưng trong lòng tôi vẫn không kiềm được chấn động.
Tiêu Dã như đoán được suy nghĩ của tôi, nghiêm túc nhìn thẳng:
“Tôi không nói để dỗ cô đâu, tôi nói thật đấy.”
Anh ấy đứng yên tại chỗ, dưới ánh trăng, đôi mắt kiên định thẳng tắp nhìn tôi.
Không hề giống như đang nói dối.
Tôi ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt anh ấy.
“Vậy anh thấy… tôi không kém ở điểm nào?”
“Rất nhiều điểm. Cô vẽ đẹp, tính cách tốt, lại còn hiền lành tử tế, chăm chỉ nữa!”
“Nhưng… nếu những thứ đó, vốn không phải ưu điểm bẩm sinh của tôi thì sao?”
7
Tôi khẽ thở dài:
“Tiêu Dã, những điều anh nói, tất cả… chỉ vì tôi thay thế vị trí của Lăng Nhạc thôi.”
“Nhà họ Lâm không thiếu tiền, cho dù tôi không làm nên trò trống gì, cũng chẳng cần phải động tay làm việc nặng. Sẽ không vì bán thêm một hào mà nhọc lòng. Không có áp lực, đương nhiên tính tình dễ chịu. Chưa từng thấy mặt tối tranh giành mưu mô, tất nhiên sẽ giữ được sự thiện lương.”
“Còn chăm chỉ gì chứ, toàn là nói dối.”
Tôi kéo khóe môi, tự giễu:
“Trước đây tôi không biết nấu ăn, cũng chẳng từng nghĩ sẽ học, thường xuyên nằm ườn cả ngày không nhúc nhích. Giờ thì vì hết cách thôi. Anh đã giúp tôi nhiều thế, chẳng lẽ tôi còn giương mắt đứng nhìn, để anh chăm sóc hết mọi chuyện?”
“Vì sao lại không?”
Lời tự giễu nghẹn ngay cổ họng, tôi ngẩn người ngẩng đầu lên.
“Thính Lam, cô nghĩ tôi là thằng nhà quê chưa thấy gì mới thấy cô tốt sao? Tôi không phải đứa ngốc chưa từng va chạm xã hội.”
“Tôi không giỏi ăn nói, nhưng tôi biết, cô thật sự rất tốt. Cô có thể dứt khoát ra đi, đã tới đây rồi cũng không một lời oán hận, còn chịu giúp tôi, giúp cả những ông bà lão trong thôn.”
“Có thể cô không thông minh bằng Lăng Nhạc, nhưng ai nói chỉ học giỏi mới là xuất sắc? Cô cũng là cô gái rất rất tuyệt vời — ít nhất là trong mắt tôi.”
Ánh trăng trải dài, nét cứng cỏi lạnh lùng trên khuôn mặt anh dần dịu lại, hóa thành sự chân thành ấm áp.
Vết sẹo nơi đuôi mắt cũng nhuốm sắc đỏ, nhưng chẳng còn chút nào dữ dằn như ban đầu.
Ngay cả trái tim tôi, cũng không kiểm soát được mà đập loạn lên từng hồi như trống trận.
Tôi hoảng hốt quay mặt đi, giả vờ như không thèm để ý:
“Tiêu Dã, tôi nào tốt đến mức như anh nói chứ? Không lẽ…”
“Anh thích tôi rồi?”
Tôi nghiêng người, khóe mắt lén quan sát anh, không muốn bỏ sót chút phản ứng nào.
Ngay giây sau, gương mặt Tiêu Dã lập tức cứng đờ, chân mày cau chặt.
Sự chờ mong trong lòng tôi ngay lập tức sụp đổ.
Tôi cố nặn ra một nụ cười tự giễu:
“Thôi, tôi chỉ đùa thôi, anh đừng…”
Nhưng lời còn chưa dứt, trên làn da ngăm đen của anh đã từ từ lan lên một tầng đỏ nhè nhẹ.
Từ cổ lan tới má, cuối cùng cả vành tai cũng đỏ bừng.
Tôi ngẩn ra:
“Không lẽ anh thật sự…”
Chưa kịp nói hết, Tiêu Dã đã vội vàng quay đầu.
“Tôi… tôi hình như quên đồ ở nhà bà Lưu, tôi đi lấy đây, cô về trước đi!”
Nói xong như cơn gió chạy mất.
Trên đường về, tôi càng nghĩ càng buồn cười.
Vậy là…
Anh ấy bị tôi nói trúng tim đen nên xấu hổ bỏ chạy à?
Tôi lắc lắc đầu, nhưng bước chân thì nhẹ hẫng như đang đi trên mây.
Nhưng cái cảm giác vui vẻ ấy, ngay khi thấy căn nhà sáng đèn liền tan biến mất.
Một nỗi bất an bỗng trào lên, tôi vội quay người định bỏ đi.
Nhưng tiếng gọi quen thuộc đã giữ tôi lại.
“Lam Lam, là mẹ đây, mẹ tới đón con.”
8
Khi tôi thực sự bước vào nhà, mới phát hiện tới không chỉ có mẹ Lâm.
Còn có cả người anh trai mà tôi đã gọi suốt hơn hai mươi năm — Lâm Bằng Phong.
Căn nhà không lớn, cũng chẳng cao, đột nhiên chen bốn người vào, không khí lập tức trở nên chật chội.
Tôi xách một ấm nước vừa kéo từ giếng lên, đặt lên bàn:
“Ngồi đi.”
Không ai lên tiếng, cũng không ai ngồi xuống.
Chỉ có mẹ Lâm, lúng túng bước lại gần:
“Lam Lam, để mẹ nhìn con một chút… Con gầy quá rồi.”
Tôi nghiêng người tránh đi:
“Không gầy đâu ạ, ở đây ăn ngon, chẳng áp lực gì, còn béo lên không ít.”
Mẹ Lâm trông có vẻ ngượng ngùng, do dự một lúc rồi nói:
“Mẹ biết con trách bọn mẹ đưa con trả lại đây, nhưng… nhưng chúng ta cũng hết cách.”
Bà lau nước mắt:
“Nhạc Nhạc đã chịu khổ hơn hai mươi năm, nếu bọn mẹ còn cứ khăng khăng giữ con, chẳng phải là quá bất công với nó sao?”
Tôi khẽ thở dài, không nói gì.
Những đạo lý này, tôi hiểu từ lâu.
Vì vậy, khi bị trả về, tôi cũng chưa từng oán trách.
Nhưng trái tim con người, vốn làm bằng thịt.
Ngày tôi quay lại, những người tôi gọi là gia đình suốt hơn hai mươi năm ấy, không ai buồn nhìn tôi lấy một cái.
Suốt cả tháng qua cũng vậy.
Bạn bè tôi đều lo lắng, sợ tôi không quen với cuộc sống mới, thỉnh thoảng tranh thủ lúc có sóng lại nhắn tin hỏi han, thậm chí còn gọi điện.
Còn họ thì sao?
Một tháng trời, chẳng một ai hỏi han lấy một câu.
Tôi sao có thể không oán giận?
Tôi quay mặt đi:
“Tiền điện ở đây đắt, tôi phải tắt đèn đi ngủ rồi. Còn chuyện gì thì nói nhanh đi.”
“Lam Lam…”
“Mẹ, sao mẹ còn phải hạ giọng như vậy?”
Lâm Bằng Phong bước lên trước một bước, cau mày nhìn tôi:
“Thôi tôi cũng không vòng vo nữa. Hôm nay bọn tôi đến là để đón em về.”
“Về?”
Tôi hơi ngạc nhiên:
“Bây giờ không sợ Lăng Nhạc buồn nữa à?”
“Nhạc Nhạc đâu có nhỏ nhen như em nghĩ. Thôi, nhanh thu dọn đồ đạc đi, xe đang đậu ở lưng chừng núi rồi.”
Nói xong, anh ta lại bồi thêm:
“Mà thôi khỏi dọn, đi luôn cho lẹ.”
Nói ra nghe như chuyện đương nhiên, nhẹ tênh.
Nhưng…
“Tôi đã bao giờ nói là tôi muốn về chưa?”