“Rõ!”

Hiệu suất của cậu ấy khỏi bàn, chưa tới nửa tiếng, một hashtag mới như cưỡi tên lửa lao thẳng lên bảng xếp hạng hot search.

#Cô gái nhà quê và 500 tệ#

Tiêu đề vừa tự giễu, vừa gây tò mò, thú vị hơn hẳn cái kiểu “video đầy đủ” khô khan.

Tôi đăng một bài Weibo, nội dung cực kỳ đơn giản, chỉ một câu kèm link video:

“Video cắt xén thì có gì để xem, muốn xem thì xem bản đầy đủ đi.”

Đăng xong, tôi tắt máy tính, pha một tách trà hoa, ngồi ngoài ban công ngắm bầu trời quang sau cơn mưa.

Bão tố trên mạng, từ giờ không còn liên quan gì tới tôi.

Vài tiếng tiếp theo, đúng nghĩa một bộ phim truyền hình trực tiếp.

Weibo của tôi, nhờ quảng bá mạnh tay, được đẩy tới mọi tài khoản đang hóng hớt.

Ban đầu, phần lớn là fan của Giang Thi Vũ lao vào, khí thế hừng hực:

“Lại muốn tẩy trắng hả? Đánh người mà còn định cãi lý?”

“Không cần biết nguyên nhân gì, đánh người là sai!”

Nhưng khi họ ráng nhẫn nại, hoặc với tâm lý tìm cớ chửi, mà xem hết 26 phút video, hướng gió trong phần bình luận bắt đầu đổi chiều.

“Ủa… tôi không nhìn nhầm chứ? Bọn họ đâm thẳng cửa vào luôn hả?”

“Ông đạo diễn miệng thì bảo ‘xin cảnh quay’, mà hành động y như thổ phỉ cướp làng. Đây là gọi là xin cảnh sao?”

“Trời đất ơi, Giang Thi Vũ còn thẳng tay bứt hoa trong vườn người ta, rồi nói chủ nhà không biết tận dụng? Kiểu lý lẽ của cướp hả?”

“Cái trợ lý vo tiền ném xuống đất… sỉ nhục quá đáng luôn!”

“Khoan đã, nghĩa là bọn họ tự tiện xông vào nhà, phá vườn, hỗn láo, còn lấy tiền nhục mạ trước, chủ vườn mới ra tay? Thế cái tát này… cũng đâu phải không hiểu nổi?”

Dư luận đảo chiều nhanh hơn tôi tưởng.

Sức mạnh của “sự thật” đúng là vô hạn. Khi dân mạng nhận ra mình bị dắt mũi, bị đoạn clip cắt ghép ác ý lợi dụng để lao vào công kích một người vô tội, thì cơn phẫn nộ vì bị lừa đảo sẽ nhân đôi và phản lại kẻ tạo ra nó.

4

#GiangThiVuXôngVàoNhàNgườiKhác#
#ĐoànQuayĐiềnViênHànhXửBạoLực#
#GiangThiVuCútKhỏiGiớiGiảiTrí#

Những hashtag mới liên tục leo lên top hot search, đá bay cái #NgôiSaoQuayShowBịĐánh# khỏi bảng xếp hạng không còn dấu vết.

Phần bình luận dưới bài đăng bán thảm của Giang Thi Vũ thành cảnh lật xe tập thể:

“Không sao à? Lúc phá cổng xông vào sao không nói mình có chuyện đi?”

“Còn cái gì mà thế giới đầy thiện ý? Thiện ý của cô là phá nát công sức của người khác à?”

“‘Thuần khiết ngọc nữ’? Tôi thấy là mặt dày hơn tường thành đấy!”

“Xong, từ fan thành anti rồi, trước kia đúng là mù mới thích kiểu người vô học này.”

Tất nhiên, vẫn còn vài fan cuồng cố sức bênh:

“Cái sân đó có treo bảng cấm đâu, vào xem thì sao?”

“Có mấy bông hoa thôi mà, Thi Vũ nhà chúng tôi để mắt tới là phúc cho cô ta rồi!”

“Vườn quê thôi mà, mấy bông dại đáng bao nhiêu? Bà kia chỉ muốn kiếm chác thôi!”

“Thi Vũ là người của công chúng, còn cô ta là người thường, lấy tư cách gì đánh người? Cố tình tạo drama để nổi tiếng rõ rành rành.”

Đọc mấy câu đảo trắng thay đen này, tôi chẳng hề tức giận, ngược lại thấy buồn cười.

Kẻ không biết thì chẳng sợ gì.

Bọn họ nào hiểu, những bông hoa mà chúng gọi là “mấy bông dại”, thực chất quý giá đến mức nào.

Cơn bão trên mạng đến nhanh, tan cũng nhanh.

Khi sự thật phơi bày dưới ánh sáng, những lời chửi rủa trước đó chỉ còn như trò hề.

Đội ngũ truyền thông của Giang Thi Vũ rõ ràng không ngờ tôi lại có đoạn video đầy đủ, sắc nét như thế trong tay. Bị đánh úp, không kịp xóa bài, đành bất lực nhìn danh tiếng của cô ta rơi tự do, sụp đổ hoàn toàn.

Tôi tưởng ít nhất bọn họ cũng sẽ im vài hôm để tìm kế mới, không ngờ có những người đúng là không biết sợ.

Tầm hơn 11 giờ đêm, khi tôi vừa định đi ngủ, hệ thống giám sát ở cổng lập tức báo có người tới. Không phải bấm chuông, mà là dùng chân đạp.

Trên màn hình, Giang Thi Vũ đội mũ, đeo kính râm và khẩu trang kín mít, nhưng cái dáng hùng hổ như bà chằn ấy, có hóa thành tro tôi cũng nhận ra ngay.

“Tô Vãn Vãn! Con đàn bà hạ tiện, ra đây cho tao ngay!”

Cô ta vừa đạp cửa vừa gào, tiếng vang khắp khu yên tĩnh, như cố ý để cả xóm nghe thấy.

“Tưởng trốn trong nhà là xong à? Dám giở trò với tao, hôm nay tao phải xử mày cho bỏ tức!”

Bên cạnh cô ta còn mấy người: một phụ nữ ăn mặc gọn gàng sắc sảo, chắc là quản lý; và hai gã bảo vệ to như hai bức tường.

Tôi không nhúc nhích, chỉ ngồi trên sofa trong phòng khách, ôm gối, hứng thú nhìn vào màn hình giám sát. Bộ phim này còn hay hơn phim truyền hình: trực tiếp, độc quyền, góc quay VIP.

Đạp gần năm phút, cửa không sao nhưng Giang Thi Vũ thì mệt bở hơi tai, phải chống tay vào gối thở dốc.

Người phụ nữ quản lý kia cuối cùng không chịu nổi, kéo cô ta ra sau rồi tiến lên một bước, chỉnh lại cổ áo, nhìn thẳng vào camera:

“Cô Tô, tôi biết cô đang nhìn. Chúng tôi không phải đến gây sự, mà là để giải quyết vấn đề. Xin cô mở cửa, chúng ta nói chuyện.”

Giọng cô ta điềm tĩnh, ra dáng người biết xử lý.

Tôi cầm micro của bộ đàm, lười biếng đáp:

“Cửa bị các người đạp hỏng rồi, mở không nổi. Có gì nói luôn ngoài đó, tôi nghe rõ mà.”

Người kia bị nghẹn một chút.