Cô ấy vỗ vai tôi, cười nói:
“Công ty của hai đứa mình, đương nhiên phải có tên cả hai chứ.
À, cổ phần mỗi người một nửa nhé.
Từ giờ mày cũng phải lo chuyện quản lý với chị, đừng chỉ vùi đầu vào kỹ thuật nữa.”
Nói xong, cô ấy ngáp một cái, quay về nhà ngủ.
Tôi đành ngồi lại dọn dẹp đống việc cô ấy để lại.
Thời gian trôi qua nhanh như chớp.
Lúc nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp cũ ở nhà máy may mặc,
Tôi gần như đã quên mất người đàn ông từng tồn tại trong thế giới của mình.
“Hiểu Hà à, em mau về đi.
Tống Trấn Hải nhập viện rồi.”
10
Hai năm qua, Tống Trấn Hải không phải chưa từng tìm đến tôi.
Nhưng tôi chỉ nói một câu: ngoài ly hôn, những chuyện khác miễn bàn.
Không cam tâm, anh ta từng bay hẳn một chuyến vào Thâm Quyến.
Hôm ấy, tôi vừa ra khỏi xưởng, đầu tóc bù xù, mặt mũi lấm lem, tiện tay lau mồ hôi trên mặt.
Anh ta thì mặc bộ áo xanh dương cứng cáp, dáng người vẫn cao ráo như xưa.
Vừa thấy tôi, anh ta cau mày, tỏ vẻ không hài lòng:
“Giang Hiểu Hà, em nhìn lại em đi. Còn ra dáng công nhân quốc doanh nữa không?”
Tôi cười lạnh:
“Tống giám đốc chắc hay quên lắm nhỉ?
Anh đã đuổi tôi từ lâu rồi.
Giờ tôi tự kiếm sống, có vấn đề gì à?”
Anh ta khó chịu, đưa tôi một cuốn sổ tiết kiệm:
“Cầm lấy, về với anh đi.
Đây là tiền lương của anh, đều nằm trong đó.
Đừng gây chuyện nữa.”
“Em cứ bám theo cái đám như Hồ Lỗi, lăn lộn ngoài xã hội,
Rồi kéo cả Như Như theo hư luôn!”
Tôi mở sổ ra xem thử.
Ồ, cũng kha khá đấy.
Tận năm nghìn tệ.
Bằng nửa năm lương cũ của tôi.
Chỉ tiếc… giờ bằng đúng nửa tháng lương của tôi thôi.
Tôi thản nhiên vung tay, ném lại cuốn sổ cho anh ta:
“Giữ lại mà xài đi, Tống giám đốc.
Chừng đó tiền, tôi không thèm.”
Mặt anh ta sầm xuống:
“Hiểu Hà, em chỉ biết đến tiền thôi sao?
Làm vợ giám đốc quốc doanh chẳng phải thể diện hơn nhiều à?”
Có tiền thì sao chứ?
Ở nhà lớn.
Muốn mua gì thì mua,
Còn có thể cho Như Như học trường tư tốt nhất, nhỏ xíu đã nói tiếng Anh như gió.
Không còn phải tính toán cả ngày chỉ để ăn một bữa sườn nữa.
Tôi khoanh tay nhìn anh ta, lạnh lùng mở miệng:
“Chức danh phu nhân giám đốc ấy, giữ lại cho người khác đi.”
“Được! Cô đừng có mà hối hận!”
Anh ta tức giận quay lưng bỏ đi.
Bất chợt tôi nhớ ra một chuyện, liền bình thản hỏi sau lưng:
“À, giám đốc Tống này, dạo này anh đang ở đâu vậy?”
Tống Trấn Hải khựng chân lại.
Đá mạnh một hòn đá bên đường, rồi sải bước rời đi.
Tôi đương nhiên biết anh ta ở đâu.
Chẳng qua chỉ muốn nghe chính miệng anh ta nói thôi.
Nhà của tôi, anh ta không vào được,
Đành phải sống tạm bợ ở ký túc xá trong khu nhà máy.
Sống lâu ngày, công nhân xì xào không ít.
Có mặt giám đốc trong ký túc xá, chẳng ai còn cảm giác đang tan ca nữa.
Dù nhà máy dạo này hoạt động èo uột, làm một tháng nghỉ ba tháng,
Nhưng chẳng ai muốn sau giờ làm vẫn phải chạm mặt giám đốc.
Không còn cách nào, Tống Trấn Hải buộc phải đi thuê trọ bên ngoài.
Tiền lương vốn đã ít, lại càng túng thiếu.
11
Tôi bay về.
Không phải vì Tống Trấn Hải,
Mà là vì nhà máy may mặc ấy.
Đó từng là tâm huyết của cha tôi, không thể cứ thế bỏ phí.
Khi nhìn thấy Tống Trấn Hải nằm trên giường bệnh,
Dù đã chuẩn bị tâm lý, tôi vẫn bị sốc.
Người vốn đã gầy, nay càng gầy trơ xương.
Hốc mắt thâm đen, hai má hóp lại.
Râu ria không cạo, thần sắc tệ hại vô cùng.
Thật khó mà tin được, ông già bệnh tật trước mắt,
Từng là giám đốc Tống phong độ ngút trời.
Thấy tôi, mắt anh ta bỗng sáng lên:
“Hiểu Hà, em vẫn còn nhớ đến anh đúng không?”
Tôi đặt giỏ hoa lên đầu giường:
“Tôi thay Như Như đến xem cha nó còn sống không.
Những chuyện khác, đừng nghĩ nhiều.”
Anh ta cười khổ:
“Em vẫn còn giận anh đúng không?
Hiểu Hà, nhà máy sắp bị thu mua rồi… tiền trợ cấp, anh định để lại cho em với Như Như…”
Chưa nói xong, một thanh niên mặt mũi bặm trợn xông vào.
“Ông còn lương tâm không vậy?
Tôi ngày ngày hầu hạ ông như hầu tổ, mà ông định để tiền lại cho vợ cũ à?”
Hắn ta túm cổ áo Tống Trấn Hải.
Tống Trấn Hải trừng mắt nhìn hắn:
“Triệu Đại Quân! Nếu không phải mày dây vào bọn đó, tao có phải nhập viện không?
Nếu không phải mẹ mày tự mình sa đọa, tao có bị liên lụy thế này không?”
Triệu Đại Quân cười nhạt:
“Ông già khốn kiếp, ông còn dám nói mình đúng hả?
Nói nuôi tôi với mẹ tôi cả đời, nuôi không nổi thì đừng có hứa hão!”
“Tưởng mình còn là giám đốc oai lắm hả?
Đừng dạy đời tôi! Phì!”
Hắn nhổ một bãi nước bọt, rồi đẩy mạnh Tống Trấn Hải xuống giường bệnh.
Bỏ đi không thèm ngoái đầu.
Tống Trấn Hải ngượng ngùng cười với tôi.
Tôi chỉ nhún vai, chẳng mấy bận tâm.
Chuyện nhà họ, đã có người kể lại cho tôi từ lâu rồi.
Sau khi tôi dắt Như Như đi, Tống Trấn Hải lấy lại thẻ lương của mình.
Ôn Thu Anh vừa khóc vừa làm ầm lên,
Lúc thì nói không có tiền mua rau, lúc lại than Đại Quân không có tiền đóng học phí.
Hai mẹ con đều sống dựa vào nhà máy.
Nhưng nhà máy gần như chẳng còn phát được lương nữa.
Ôn Thu Anh quen sống xa hoa, không chịu nổi những ngày nghèo khổ như vậy.
Cắn răng một cái, cô ta quyết định “xuống biển” ở phố Phấn (ẩn dụ cho việc bán thân).
Triệu Đại Quân thì ngày ngày đạp xe chở mẹ mình đến đó.
Có một lần, vì tranh giành khách, cô ta xung đột với một nhóm phụ nữ khác.
Đại Quân tức giận, vác gạch đập thẳng vào trán người ta.
Phía bên kia đòi bồi thường.
Ôn Thu Anh khóc lóc chạy tới tìm Tống Trấn Hải.
Anh ta hết cách, đành đưa toàn bộ tiền tích cóp cho cô ta.
Sau đó, vì không nhịn được, đã mắng Đại Quân vài câu.
Thằng bé không phục, đẩy anh ta một cái.
Tống Trấn Hải ngã lăn xuống cầu thang, gãy nát cả hai bên xương hông, phải nhập viện.
Ban đầu, vì còn nể tình xưa, Đại Quân vẫn chăm sóc anh ta,
Ngày ba bữa đưa cơm, lau người.
Nhưng về sau thấy phiền, thái độ ngày càng khó chịu.
Còn Ôn Thu Anh, mải lo kéo khách, chẳng còn thời gian mà ngó ngàng.
Tống Trấn Hải hồi phục rất chậm.
Bác sĩ đã cảnh báo nhiều lần — nếu tiếp tục như vậy, có thể sẽ nằm liệt giường cả đời.
Đại Quân không kiên nhẫn nữa, hất mạnh cơ thể Tống Trấn Hải sang một bên, gỡ tấm ga giường mới được thay.
“Đồ già khọm, tao cảnh cáo ông, còn tè bậy nữa là tao bịt luôn cái dưới của ông lại đấy!”
Cậu ta chẳng buồn thay tã, cũng chẳng cho ăn uống tử tế.
Mỗi ngày chỉ đưa cho anh ta ít cháo loãng.
Tống Trấn Hải gầy đến mức không còn nhận ra nổi.
Khi tôi rời khỏi phòng bệnh, thì đúng lúc đụng mặt Ôn Thu Anh.
Mùi nước hoa nồng nặc khiến tôi phải hắt xì một cái.
“Ồ, tới thăm Trấn Hải à?”
Cô ta nhả ra một làn khói thuốc, rồi dúi cái bình giữ nhiệt vào tay tôi:
“Mau đưa ông ta về đi, đừng bắt tôi chăm nữa.”
Tôi khẽ cười:
“Tôi về là để lo chuyện quan trọng, không phải để hầu hạ anh ta.”
Cô ta khịt mũi khinh bỉ:
“Đã từng là giám đốc lãnh đạo hàng ngàn người, rảnh rỗi lại vào bếp nấu cơm cho vợ con… buồn cười thật.”
Tôi chẳng muốn đôi co, đẩy cửa phòng bệnh ra.
“Vào đi, Tống Trấn Hải đang đợi cô đấy.”
Cô ta ưỡn người bước vào.
Chẳng mấy chốc, trong phòng vang lên tiếng cãi vã, đồ đạc bị ném vỡ loảng xoảng.
Lại là chuyện Tống Trấn Hải muốn để tiền trợ cấp lại cho Như Như.
Nhà máy sắp bị thu mua, đây là món tiền cuối cùng.
Nhưng bọn họ không biết —Người mua nhà máy, chính là tôi và Hồ Lỗi.
Nhà máy đã tìm người mua từ lâu mà không ai chịu nhận,
Vì nợ nần quá nhiều, chi phí đền bù cho công nhân lại cao.
Ai cũng sợ ôm gánh nặng.
Tôi và Hồ Lỗi đã tính toán kỹ.
Vị trí nhà máy tốt, diện tích lớn.
Mua lại rồi cải tạo thành khu chung cư, chắc chắn sẽ lời.
Nghe tin có người chịu “ôm” nhà máy, quận mừng rỡ,
Tự động giảm giá ba mươi phần trăm.
Lần này tôi quay về là để ký hợp đồng.
Từ trong phòng bệnh, tiếng mắng nhiếc của phụ nữ vẫn vang lên:
“Tống Trấn Hải, đồ vô dụng! Nhà tôi, lão Triệu, sao lại đi cứu loại người như ông?!
Nếu không vì ông, mẹ con tôi đâu có phải sống nhục như bây giờ?”
“Ông hứa nuôi chúng tôi cả đời! Dám đưa tiền cho con nhỏ Như Như kia, tôi sẽ chết cho ông coi!”
“Đủ rồi! Đừng cãi nữa!
Nếu không phải Triệu Kiến Quốc uống say rồi khoe của trước mặt người lạ,
thì đâu có gặp cướp?
Tự ông ta chuốc lấy!
Tôi chăm sóc mẹ con bà bao nhiêu năm, đã quá tử tế rồi!”
“Ông dám nói lại lần nữa không?!”
Người phụ nữ gào lên:
“Tôi xé nát miệng ông bây giờ!”
Tôi đóng cửa phòng bệnh lại.
Sải bước rời đi.
Trời rất đẹp.
Là thời điểm vàng để lao vào làn sóng phát triển kinh tế
Những chuyện cũ, chỉ là vài đoạn lướt ngang đời.
Không thể cản bước tôi tiến về phía trước.
Hết