Ông tôi tạo phản ở địa phủ
Hôm đó, tôi nhận được cuộc gọi từ ông nội – người đã mất mười năm nay.
“Cháu ngoan! Mau vẽ cho ông hai quả tên lửa rồi đốt gửi xuống đây! Để ông cho cái thằng rùa con Diêm Vương đó nổ tan xác luôn!”
Ông nói ông đang tạo phản ở địa phủ, dẫn theo mấy người bạn chiến hữu cũ, quyết tâm xây dựng một “địa phủ xã hội chủ nghĩa”.
1.
Từ nhỏ tôi đã thích vẽ tranh, nhưng bố mẹ lại cho rằng đó là việc không nghiêm túc, chẳng ra gì.
Bố tôi là một người đàn ông nặng 100kg, hễ thấy tôi vẽ là lại đánh.
Đánh xong còn phải xé hết tranh vẽ của tôi, mặc tôi ngồi một bên khóc rống lên cũng không thèm đoái hoài.
Cả nhà chỉ có ông nội là ủng hộ tôi vẽ.
Nghe nói hồi trẻ ông cũng rất mê vẽ tranh, nhưng thời đó đất nước đang lâm nguy, ông đã gác lại bút lông, khoác súng ra chiến trường.
Về sau ông trở thành quân nhân, nhưng lòng yêu hội họa vẫn chưa bao giờ tắt.
Mỗi lần bố đánh tôi vì vẽ tranh, ông đều che tôi ra sau lưng rồi tát cho bố tôi một cái nảy lửa.
“Trẻ con thích vẽ thì sao chứ? Chẳng lẽ không được có sở thích à?!”
Ông tôi già nhưng vẫn tráng kiện, bảy tám mươi tuổi mà cơ bắp đầy mình.
Gặp ông là bố tôi mềm ngay, nhưng vẫn lầm bầm:
“Thằng ranh con này suốt ngày chỉ biết vẽ vời, học hành chẳng lo… Vẽ tranh có ăn được không?”
Sau này ông mất vì bệnh, tôi vào học cấp ba.
Bố tôi càng siết chặt quản lý. Lo vẽ tranh ảnh hưởng đến việc học, ngày nào ông cũng lục cặp tôi kiểm tra.
Nhưng bố càng ngày càng già, còn tôi thì cao hơn hẳn. Ông không tiện ra tay nữa, chỉ có thể cằn nhằn mãi không thôi mỗi khi phát hiện tranh vẽ.
Về sau tôi nghĩ ra một cách hay, cứ trước khi về nhà là tôi ra bờ sông gần đó đốt tranh đi, xóa sạch dấu vết.
Cứ như vậy, một bên nghĩ kế – một bên đề phòng, ngày qua ngày, cuối cùng tôi cũng thi đậu vào một trường đại học danh tiếng, học tiếp lên cao học, rồi tốt nghiệp, đi làm cho một công ty lớn, trở thành “xác sống công sở”.
Trong cuộc sống nhàm chán như nước đọng này, một đêm nọ, tôi nhận được cuộc gọi.
Số điện thoại đó, tôi thuộc nằm lòng.
Đó là số ông nội dùng khi còn sống.
Nhưng ông tôi đã mất mười năm rồi!
Tôi run rẩy vuốt lên nghe: “Alo?”
Bên kia điện thoại, giọng nói tràn đầy khí thế của ông vang lên – giọng nói đã không xuất hiện trong giấc mơ tôi suốt cả thập kỷ.
“Cháu ngoan! Mau vẽ cho ông hai quả tên lửa rồi đốt xuống đây! Ông mà không cho thằng Diêm Vương rùa con đó banh xác thì ông không mang họ Lý nữa!”
2.
Ông tôi kể, ông đang tạo phản ở địa phủ, dẫn dắt một nhóm người chết tội nghiệp chẳng nơi nương tựa.
Nghe nói, dù nhân gian đã cải cách mở cửa bao nhiêu năm, nhưng ở địa phủ thì vẫn còn nguyên chế độ phong kiến.
Bọn đầu trâu mặt ngựa, quỷ sai, Hắc Bạch Vô Thường… chẳng coi người chết là con người.
Người dân thời phong kiến cam chịu, nhưng công dân thế kỷ mới thì không thể nuốt trôi mấy cái uất ức đó.
Thế là một ngày nọ, ông tôi vung tay hô lớn, kéo theo đám chiến hữu cũ cùng nổi dậy tạo phản.
Nhưng tạo phản đâu có dễ? Người và tiền đều phải đủ.
Giờ người đã có, nhưng tiền thì vẫn chưa khơi ra được.
Dù con cháu mấy ông cụ này đều hiếu thảo, mỗi dịp lễ Tết đều đốt hàng chục nghìn tỷ vàng mã, nhưng do địa phủ lạm phát cả nghìn năm nay, nên mười nghìn tỷ cũng chỉ đủ mua… một cái bánh bao.
Ngay khi họ đang loay hoay vì tài chính, thì hai chiếc tiêm kích J-10 xuất hiện bên cạnh ông tôi…
Tên tôi được viết trên chiếc tiêm kích J-10, chứng tỏ hai chiếc đó là tôi đốt cho ông.
Dựa vào hai chiếc J-10 này, ông tôi và các chiến hữu đã chiếm được cứ điểm đầu tiên ở địa phủ.
Nhắc đến chuyện này, ông cười sang sảng như chuông đồng:
“Ha ha ha! Đám chiến hữu của ông ai cũng khen ông có đứa cháu vừa ngoan lại hiếu thảo!”
Tôi: “…”
Tôi cẩn thận nhớ lại, đúng là mình từng đốt hai chiếc J-10 thật.
Hồi đó đang học trên lớp thì tôi lén vẽ lại chiếc J-10 trong tạp chí quân sự.
Tan học về nhà mới sực nhớ ra — tờ giấy này không thể để bị phát hiện — thế là tôi ngồi xổm bên sông, đốt sạch không để lại dấu vết rồi mới dám về nhà.
Nhưng khoan đã…
Tôi đâu chỉ từng vẽ hai chiếc J-10!
Hồi học cấp ba, trào lưu anime Nhật rất thịnh hành. Nào là thiết bị cơ động lập thể, thanh kiếm ánh sáng Excalibur, đao Trảm Hồn… tất cả đều là sản phẩm “lười học” của tôi trong giờ.
Tôi thậm chí còn vẽ cả mấy con robot Gundam và cũng đốt sạch ở cái bờ sông đó.
Nếu nói vậy thì…
Quả nhiên, giây sau, giọng ông vang lên đầy hoang mang trong điện thoại:
“À mà cháu ngoan này, mấy cái robot to đùng cháu đốt xuống là cái gì thế? Vũ khí à? Tụi ông già bọn ông không biết xài, không dám bấm bậy sợ nổ!”
3.
Tôi hứa sẽ đốt cho ông mấy tập hoạt hình Gundam như hướng dẫn sử dụng, ông mừng lắm.
Ông nói mấy ông già họ đã nghiên cứu mấy cái đó lâu rồi, cũng hiểu được chút đỉnh, nhưng vẫn sợ làm hỏng nên không dám mạnh tay.
Có “sách hướng dẫn” thì dễ rồi!
Đúng lúc đó, điện thoại tôi hiện cuộc gọi nhỡ — là quản lý.
Sếp gọi không dám không nghe, tôi bảo ông gọi lại sau một chút.
“Alo? Tiểu Lý à, cái proposal của cậu phải đẩy tiến độ nhé, khách hàng nói thứ Hai tuần sau cần rồi.”
Tôi choáng: “Sếp ơi, hôm nay là thứ Năm rồi mà!”