7
Tôi tựa người vào tường.
Lạ thật. Giây phút ấy, tôi không giận dữ, cũng không đau lòng.
Chỉ thấy tất cả như thể là một câu chuyện của người khác, hoàn toàn không dính dáng gì đến mình.
Tôi hiểu… đó gọi là giải ly.
Là cơ chế phòng vệ cuối cùng của con người, khi cảm xúc đau đớn vượt quá giới hạn chịu đựng, thì ý thức sẽ tự tách rời ra để tự bảo vệ bản thân.
Tôi chậm rãi bước về phía giường bệnh.
Chiếc giường nhỏ chỉ rộng hơn một mét, xoay người cũng khó khăn.
Nhớ lại khi xưa, hồi tôi và Đặng Dã còn sống trong tầng hầm, hai đứa cũng ngủ chung trên một chiếc giường bé tí như vậy.
Tôi đã rất lâu không nhớ lại những ngày tháng ấy.
Vậy mà đêm nay, tất cả như ùa về theo từng đợt gió lạnh lùa qua khung cửa.
Khi đó, cha mẹ tôi vừa ly hôn.
Mẹ dắt theo em trai đi mất.
Cha lập gia đình mới.
Không ai cần đến tôi.
Tôi không có nơi để về, không bằng cấp, không kỹ năng, đi xin làm bưng bê cũng bị từ chối.
Cuối cùng, không còn cách nào khác, tôi vào quán bar làm phục vụ.
Ngày ngày bưng trái cây, rót rượu cho khách.
Tôi vẫn nhớ rõ cái quán bar ánh sáng chói lòa, nội thất vừa quê mùa vừa kệch cỡm, bà chủ tên Hồng Tỷ ngậm điếu thuốc, móng tay đỏ chót, nheo mắt nhìn tôi.
“Sao không chịu ngồi bàn?
Dáng dấp như cô, ngồi bàn thì hai trăm một lượt, ra ngoài là ít nhất tám trăm.
Cần gì phải làm vất vả thế này?”
Tôi cúi đầu vò góc váy:
“…Em không muốn làm mấy chuyện đó.”
Hồng Tỷ không giận, chỉ cười khẩy, giọng đặc sệt vùng miền:
“Vào đây rồi thì chẳng ai không ngồi bàn cả.
Sau này chị không ép, rồi chính cô sẽ năn nỉ chị cho ngồi thôi.
Chị sống chừng này năm rồi, chưa từng thấy ai ghét tiền cả.”
Và thế là tôi ở lại cái quán đó.
Cuộc sống tuy khó khăn nhưng cũng tạm ổn.
Thỉnh thoảng vẫn có khách khó chiều, không dễ ứng phó.
Lần đó, tôi lại bị một gã trung niên say khướt bám lấy.
Ông ta đòi tôi đi tiếp khách ngoài, bị từ chối thì nổi khùng, giơ tay định tát tôi.
Tôi sợ hãi co người lại, nhưng chẳng cảm thấy đau.
Mở mắt ra thì thấy có người đã chắn trước mặt tôi.
Một thanh niên mười tám, mười chín tuổi, khoác áo khoác da đen, tay cầm ống thép, đứng chắn trước gã kia, cặp mày nhướn lên, ánh mắt ngông nghênh:
“Ông say rồi đấy à?”
Gã đàn ông kia lèm bèm chửi mắng, nhưng ngay sau đó bị cậu ta túm cổ áo như gà con, kéo ra ngoài.
Trước khi đi, cậu ta còn liếc nhìn tôi một cái.
Cô bạn cùng bàn với tôi phấn khích đến mức bóp chặt tay tôi:
“Đẹp trai chưa?! Đó là người mà Hồng Tỷ mới mời về giữ trật tự đó.
Nghe nói biết đánh nhau đấy!
Nếu có người yêu như vậy, tao đi làm nuôi anh ta cũng được luôn!”
Một người khác cười mắng:
“Có phúc vậy đến lượt mày à?
Hồi ảnh mới tới tao đã thử rồi, mời ảnh uống rượu, ảnh liếc tao một cái rồi bảo biến đi!
Biết đâu ảnh không thích phụ nữ đó!”
Sau này, tôi và Đặng Dã cũng không có nhiều liên hệ.
Chỉ là mỗi khi tôi bị khách quấy rối, cậu ta đều âm thầm đứng ra giúp.
Có một lần, tôi tình cờ bắt gặp cậu ta bị thương vì đánh nhau.
Nghĩ đến việc trước đây từng được cậu ta cứu, tôi mang hộp thuốc tới băng bó.
Cậu ta cúi đầu, có vẻ mất kiên nhẫn:
“Vết thương nhỏ thôi, không cần làm quá lên đâu.”
Tôi nhẹ nhàng chấm thuốc lên vết rách ở trán:
“Vết nhỏ cũng đau mà.”
Cậu ta sững người nhìn tôi một lúc, rồi đột nhiên quay đầu đi.
Dưới ánh đèn đường, tôi thấy tai cậu ta… đỏ ửng lên.
Từ hôm đó, mỗi ngày khi tan làm, tôi đều thấy Đặng Dã đứng ở đầu hẻm chờ.
Cậu ta không nói gì, chỉ lặng lẽ đi theo sau tôi, đến tận cửa mới rời đi.
Tôi cố ý ra cảm ơn, cậu ta chỉ đáp nhạt nhẽo:
“Em nghĩ nhiều rồi, tiện đường thôi.”
Sau này tôi mới biết, nhà cậu ta ở tận phía Bắc thành phố.
Tôi thì sống ở phía Nam.
Chứ tiện gì mà tiện?
Rõ ràng là mỗi tối tiễn tôi về xong, cậu ta lại phải cuốc bộ một quãng rất xa mới về đến nhà mình.
Tình cảm của tuổi trẻ đến rất mãnh liệt, chẳng theo lý lẽ nào cả.
Cũng chẳng nhớ là lần nào trên đường về nhà, tôi nhìn Đặng Dã – cậu thiếu niên lúc nào cũng tay đút túi áo – rồi bất ngờ hỏi:
“Này, anh có phải thích em không?”
Cậu ta khựng lại, mặt lập tức đỏ bừng, hung hăng nói:
“Em nói cái gì?!”
Tôi còn tưởng mình tự ảo tưởng, thì ngay khoảnh khắc sau, cậu ấy chộp lấy cổ tay tôi.
Biểu cảm vừa dữ vừa gắt, chẳng khác nào đang chuẩn bị gây sự chứ không phải đang tỏ tình.
“Đúng! Anh thích em đấy! Thì sao?!”
Tôi mím môi:
“Không sao cả.”
“Vì… em cũng thích anh.”
Đặng Dã ngẩn người.
Tôi đến giờ vẫn còn nhớ nụ hôn đầu tiên ấy.
Dưới ánh trăng, vị của nụ hôn năm ấy là mùi bạc hà Marlboro.
Sau khi ở bên Đặng Dã, chúng tôi từng có một khoảng thời gian rất đẹp.
Dù cả hai đều chẳng có nhiều tiền, nhưng anh ấy vẫn cố dành dụm để mua quà cho tôi.
Chỉ vì tôi vô tình dừng lại nhìn lâu một chiếc váy qua cửa kính, tháng sau chiếc váy đó đã nằm trong tay tôi.
Tôi vẫn còn nhớ giá của chiếc váy ấy: 3.000 tệ.
Nó còn đắt hơn tiền lương cả tháng của Đặng Dã tận 200 tệ – số tiền đó, anh còn phải đi mượn.
Tôi đỏ mắt, năn nỉ anh đem trả lại.
Nhưng anh lại cười toe toét, “tạch” một tiếng cắt phăng tem mác rồi quăng cái váy lên người tôi:
“Trả cái đầu! Có mỗi cái váy thôi mà, mặc thử anh xem nào!”
Cuộc sống khi ấy tuy giản dị nhưng rất hạnh phúc.
Tôi từng mơ mộng rằng, chỉ cần tích góp thêm một chút, tôi và anh sẽ rời khỏi nơi này, sống một cuộc sống mới.
Nhưng rồi… chủ nợ đến gõ cửa.
Họ hắt sơn đỏ lên trước cửa nhà, chủ nhà mắng chửi ầm ĩ, đuổi chúng tôi đi.
Lúc ấy tôi mới biết, Đặng Dã đang nợ cờ bạc hơn mười vạn tệ, cộng cả lãi đã thành ba mươi vạn.
Thì ra, anh chưa bao giờ là kiểu người cam tâm sống yên ổn như tôi tưởng.
Anh luôn muốn kiếm thật nhiều tiền.
Đêm hôm đó, chúng tôi xách hành lý bị ném ra khỏi nhà, chẳng còn nơi nào để đi, chỉ có thể ngồi tạm trên ghế đá công viên.
Đặng Dã để tôi gối đầu lên đùi, ngậm điếu thuốc rất lâu rồi khàn giọng nói:
“Anh không cam lòng.
Tại sao trên đời lại có nhiều người giàu như vậy, còn anh đến mua cái váy cho em cũng phải đi vay tiền?”
“Ninh An, anh thật sự sống quá đủ kiểu nghèo khổ này rồi… Anh muốn đổi đời.”
Anh hít một hơi thật sâu, giọng bắt đầu run lên:
“Ninh An, mình chia tay đi… Anh không muốn kéo em theo anh nữa.”
Tôi lặng lẽ ngồi dậy, dựa vào vai anh.
Rút điếu thuốc từ miệng anh, hít một hơi.
Mùi thuốc chẳng ngon lành gì, vị khói như những lưỡi dao sắc lẹm, cứa qua cổ họng đau rát.
Tôi vừa ho vừa hút hết điếu đó, sau đó dập tắt đầu lọc, nhẹ nhàng nói:
“Em không chia tay.
Chỉ ba mươi vạn thôi mà.
Em sẽ cùng anh trả.”
Ba mươi vạn, về sau với Đặng Dã chỉ là giá một chai rượu vang trong hầm rượu của anh.
Nhưng với chúng tôi của năm ấy, đó là một con số trên trời.
Tôi tìm gặp Hồng Tỷ, nói rằng tôi đồng ý ngồi bàn, tiếp rượu.
Nhưng tôi không ra ngoài tiếp khách.
Hồng Tỷ biết rõ chuyện giữa tôi và Đặng Dã.
Bà ấy ngậm điếu thuốc thật lâu không nói gì, cuối cùng chỉ mắng tôi một câu:
“Lại thêm một đứa ngốc nữa.”
Tôi bắt đầu lao vào tiếp rượu.
Lần nào cũng uống đến mức ôm bồn cầu nôn ra máu, chỉ để kiếm thêm chút tiền hoa hồng.
Sau khi biết chuyện, Đặng Dã nổi giận.
Anh đập phá mọi thứ trong nhà, cuối cùng gục xuống đống đổ nát, ôm mặt im lặng không nói.
Tôi vừa khóc vừa ôm chặt lấy anh: “Em hứa chỉ tiếp rượu, không ra ngoài đâu.
Đặng Dã, tin em đi… Em chỉ muốn giúp anh.”
Anh từ từ đưa tay ôm lại tôi, giọng nghẹn ngào khàn đặc: “Ninh An, là anh có lỗi với em.”
Sau đó, Đặng Dã cũng bắt đầu tìm đường mới.
Anh không làm bảo kê nữa, bắt đầu đi theo mấy người được gọi là “đại ca” để “làm ăn”.
Toàn bộ tiền bạc kiếm được đều dùng để trả nợ.
Chúng tôi sống trong một tầng hầm ẩm thấp, chỉ 600 tệ một tháng.
Đêm đến, bọ nhiều chân và chuột chạy lạo xạo khắp nơi.
Chỉ có mùa đông là yên ổn được đôi chút.
Nhưng tôi và Đặng Dã đều không thích mùa đông.
Vì chúng tôi không có tiền mua điều hòa, chỉ có thể mua một tấm chăn điện, ôm nhau mà sưởi ấm.
Tấm chăn quá mỏng, phía trên phải đắp thêm hai chiếc áo bông của cả hai đứa.
Buổi tối, hai đứa chia nhau một bát mì gói.
Tôi ăn không no, tiếng bụng sôi “ọc ọc” vang lên trong im lặng.
Đặng Dã ôm chặt lấy tôi:
“Vợ ơi, sớm muộn gì anh cũng sẽ cho em một cuộc sống tốt đẹp.
Anh hứa với em, chúng ta sẽ không sống như những con chuột trong cống rãnh nữa.”
Tôi cuộn tròn trong lòng anh, bật cười:
“Ừ.”
8
Tôi đứng trước cửa sổ, kéo chặt chiếc áo bệnh nhân đang khoác trên người.
Cả thành phố sáng rực ánh đèn.
Dù đã về đêm, phố xá vẫn đông đúc, xe cộ qua lại như mắc cửi.
…
Đặng Dã là người rất thông minh, cũng rất có năng lực.
Anh dùng tiền tôi kiếm được từ tiếp rượu để đầu tư, theo chân một “đại ca” làm ăn, kiếm được khoản tiền đầu tiên.
Chúng tôi nhanh chóng trả hết nợ cờ bạc.
Tôi không còn phải bán sức tiếp khách nữa, chúng tôi cũng rời khỏi tầng hầm tối tăm.
Anh dần quen biết nhiều người hơn, mở rộng các mối quan hệ và tầm nhìn.
Anh bắt đầu khởi nghiệp.
Tôi cùng anh điều hành công ty.
Dù chỉ mới học hết cấp ba, tôi tự học kế toán và tiếng Anh, cùng anh đi tiếp khách, xây dựng mạng lưới.
Sau này, sự nghiệp anh ngày càng thành công.
Công ty cũng lớn mạnh.
Số dư tài khoản ngân hàng cứ thêm nhiều con số 0.
Chúng tôi có biệt thự ở khắp nơi trên thế giới.
Chúng tôi không cần chịu khổ nữa.
Nhưng hóa ra… cái lạnh ẩm thấp của tầng hầm năm xưa vẫn luôn bao phủ lấy tôi.
Nó chưa từng biến mất.
Tôi siết chặt tay vịn cửa sổ.
Lý trí cuối cùng cũng quay trở lại.
Lửa giận thiêu đốt sạch mọi cảm xúc, tôi chỉ cảm thấy trái tim như bốc cháy, thiêu rụi tất cả yêu thương, để rồi biến thành hận thù.
Tôi đã ở bên Đặng Dã suốt 12 năm!
Tôi dốc hết tuổi trẻ, hy sinh mọi thứ cho anh ta.
Rõ ràng anh ta đã từng hứa sẽ không phụ tôi.
Vậy mà anh ta lại dám?!
Anh ta sao có thể?!
Gió đêm thổi vù vù bên tai, nhưng tôi đứng bên cửa sổ chẳng cảm thấy chút lạnh nào.
Toàn thân tôi đã bị ngọn lửa thù hận thiêu đốt đến cháy rụi.
Tôi cúi đầu, lạnh lùng nhìn xuống thành phố rực rỡ ánh đèn.
Tôi đã từng nâng anh ta lên tận trời… thì tôi cũng có thể khiến anh ta rơi xuống tận đáy.
Đặng Dã đã đối xử với tôi như vậy…
Anh ta nhất định phải trả giá.