Hơn hai mươi năm trước, ở thị trấn chúng tôi từng xảy ra một vụ án rúng động lòng người.
Một cô gái trong đoàn xiếc, khi đang biểu diễn tiết mục múa ba-lê trên không, đã tự châm lửa đốt xăng trên người, rồi lao xuống đất, chết trong biển lửa.
Chẳng bao lâu sau, chúng tôi điều tra được rằng ban ngày hôm đó cô đã bị một thanh niên trong thị trấn xâm hại, vì quá nhục nhã và phẫn uất nên mới tìm đến cái chết.
Thanh niên đó bị xử tử hình, nhưng sự việc kinh hoàng ấy vẫn ám ảnh đến tận bây giờ.
Nhiều năm qua, rất nhiều người trong thị trấn kể lại rằng:
Họ đã nhìn thấy cô gái đó xuất hiện vào nửa đêm.
Oan hồn không tan, chắc chắn là chúng tôi năm xưa đã bắt nhầm người.
1
Tôi tên là Hồ Khang, là một cảnh sát hình sự vừa mới nghỉ hưu.
Năm 1999, nhờ có công phá án nên tôi được điều lên thành phố.
Giờ đây sau khi về hưu, tôi quay lại thị trấn, muốn sống an nhàn tuổi già ở quê nhà.
Nhưng chỉ sau vài ngày về nhà, tôi phát hiện ra vụ án năm xưa vẫn thường xuyên được người dân nhắc đến.
Người ta nhắc đến không phải vì vụ án, mà là vì… ma quỷ.
Hơn hai mươi năm nay, không ít người nói rằng khi đi đường vào ban đêm, họ nhìn thấy một người phụ nữ mặc đồ trắng lướt qua.
Mà dáng vẻ của người đó, giống hệt cô gái đã chết cháy trong buổi biểu diễn năm ấy.
Mọi người đều bảo, chắc chắn cô ấy có nỗi oan chưa giải, nên mới hóa thành hồn ma vất vưởng không siêu thoát.
Điều kỳ lạ hơn là, chỉ vài ngày sau khi tôi trở về, trước cửa nhà tôi xuất hiện một phong thư.
Trong thư có kẹp một tấm vé xem xiếc, thời gian biểu diễn là một tuần sau.
Bên ngoài phong bì chỉ viết đúng một câu:
“Hồ Khang, nếu ông muốn biết sự thật năm xưa, thì hãy đến xem buổi biểu diễn này.”
Sự thật năm xưa?
Nhưng năm đó vụ án đã kết thúc rồi mà, hơn nữa chứng cứ cũng rất rõ ràng.
Cô gái tự tử, mà nguyên nhân tự tử cũng đã điều tra rõ ràng.
Cô bị xâm hại vào ban ngày hôm đó, vì phẫn uất và nhục nhã nên mới chọn cách tự thiêu giữa đám đông.
Mà người đã hại cô, chính là một thanh niên trong thị trấn.
2
Dù là một cảnh sát, nhưng đêm hôm đó của hơn hai mươi năm trước vẫn là cơn ác mộng ám ảnh tôi mãi đến tận giờ.
Hôm ấy, bạn tôi xin được hai tấm vé, bảo rằng có một đoàn xiếc vừa đến thị trấn, rủ tôi tối đi xem chung.
Tối hôm đó, tôi và bạn đúng giờ có mặt ở quảng trường thị trấn.
Sau vài tiết mục mở màn, một cô gái chừng mười bảy mười tám tuổi xuất hiện trong tiếng đàn piano êm dịu, được dây kéo nâng lên không trung.
Cô mặc một chiếc váy trắng tinh khôi, nhẹ nhàng, bay bổng, lượn lờ giữa không trung như một nàng tiên.
Khi mọi người còn đang say sưa theo từng chuyển động duyên dáng của cô.
Thì bất ngờ, một tia lửa bùng lên trên người cô, trong nháy mắt, ngọn lửa bao trùm toàn thân cô.
Cô như một quả cầu lửa rơi thẳng từ trên cao xuống đất, va chạm dữ dội rồi tiếp tục cháy rừng rực.
Bốn bề vang lên tiếng hét thất thanh của khán giả.
Tôi lập tức xô đám đông, lao vào muốn cứu người.
Nhưng tất cả đã quá muộn.
Cô bị thiêu đến mức không còn nhận dạng được nữa, sau đó tôi mới biết, trên người và cả trong cơ thể cô đều có xăng.
3
Ít nhất có vài trăm người trong thị trấn tận mắt chứng kiến cảnh tượng đó.
Vụ việc gây chấn động lớn, cái chết bi thảm như thế khiến cảnh sát buộc phải điều tra rõ ràng, để cho dân chúng một lời giải thích.
Vì tôi có mặt tại hiện trường từ đầu đến cuối, nên đương nhiên được vào tổ chuyên án.
Bước đầu tiên là xác định đây là vụ tự sát hay án mạng.
Bước này thực tế lại đơn giản hơn chúng tôi tưởng.
Thông qua điều tra, chúng tôi xác minh được xăng và bật lửa trên người cô gái là do chính cô mua vào chiều hôm đó.
Các thành viên khác trong đoàn xiếc cũng xác nhận rằng mỗi tiết mục đều diễn riêng biệt.
Trước giờ biểu diễn, ai cũng ở trong lều riêng của mình để chuẩn bị đạo cụ và trang phục.
Cô ấy, từ đầu đến cuối, đều ở một mình.
Lúc đó, cũng có người trong tổ chuyên án nêu ý kiến rằng, đoàn xiếc hay sử dụng các chất hóa học, chẳng hạn như phốt pho trắng – một loại có thể tự cháy…
Liệu có khả năng ai đó dùng đạo cụ để cố ý giết người không?
Ý kiến này lập tức bị bác bỏ.
Bởi khi đó có hàng trăm cặp mắt, bao gồm cả tôi, đang theo dõi trực tiếp.
Không có loại đạo cụ nào có thể âm thầm đốt cháy một người đang bị treo lơ lửng giữa không trung mà không ai phát hiện.
Khả năng duy nhất chính là — cô ấy tự làm.
Vậy đây chỉ là một vụ tự tử đơn thuần sao?
Kết luận điều tra như thế, liệu công chúng có tin nổi không?
Đúng vào lúc đó, tôi đã tình cờ gặp một người đàn ông khi đang tản bộ ở quảng trường thị trấn, và sự việc bắt đầu rẽ sang hướng khác.
4
Tối hôm đó, sau khi ăn tối xong, tôi ra ngoài dạo thì thấy một người đàn ông đang lén lút chụp ảnh lều trại nơi đoàn xiếc đang đóng quân.
Do vụ án chưa khép lại, nên đoàn xiếc vẫn phải tạm thời ở lại thị trấn vài ngày.
Tôi nhận ra hắn — tên là Bạch Hàng, cháu trai của bà cụ thường đánh giày ở cửa đồn.
Hơn hai mươi tuổi rồi mà chẳng có nghề ngỗng gì ổn định, ngày ngày vuốt tóc bóng lộn, ôm cái máy ảnh đi lang thang khắp nơi chụp choẹt.
Bình thường tôi chẳng thèm quan tâm đến hạng người như vậy, nhưng hôm đó chợt nghĩ có khi hắn chụp được gì đó hữu ích, nên tôi gọi hắn lại:
“Chúng tôi đang điều tra vụ án, muốn xem thử mấy tấm ảnh của cậu.”
Không ngờ hắn lập tức tỏ ra hoảng loạn, quay đầu bỏ chạy.
Biểu hiện bất thường này khiến tôi lập tức cảnh giác. Tôi giữ chặt lấy hắn, giật lấy máy ảnh:
“Đồng chí à, chúng tôi chỉ kiểm tra thôi. Đi với tôi về đồn một chuyến, xem xong là tôi đưa cậu về liền.”
Hắn đâu mạnh bằng tôi, cuối cùng vẫn bị tôi lôi lên xe chở về đồn.
Về tới nơi, tôi bảo hắn cùng tôi chờ ở cửa, còn chiếc máy ảnh thì đưa cho đồng nghiệp đem rửa ảnh.
Nửa tiếng sau, hai đồng nghiệp từ phòng tối lao ra, đè Bạch Hàng xuống đất.
Họ nói với tôi: “Anh vào trong mà xem gấp!”